“Sóng ngầm” ở Nam Á

Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 21/09/2012

(HNM) - Ngày 17-9, quân đội Pakistan tuyên bố đã thử thành công tên lửa hành trình Hatf-VII có thể mang đầu đạn hạt nhân. Vụ thử được tiến hành sau khi quốc gia láng giềng Ấn Độ - cuối tháng 8-2012 - loan báo bắn thử thành công tên lửa đất đối đất Prithvi-II, với tầm bắn 350km, cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.


Mặc dù, sau mỗi vụ thử, mỗi nước chỉ nói về những tiến bộ quân sự đạt được của mình, nhưng giới quan sát cho rằng cuộc rượt đuổi tiến bộ quân sự giữa hai quốc gia láng giềng đang biến thành một cuộc đua thầm lặng tại Nam Á về vũ khí hạt nhân.

Theo giới chức quân đội Pakistan, tên lửa hành trình Hatf-VII vừa thử thành công có tầm bắn 700km, bay ở tầm thấp, bám sát địa hình, có thể tấn công các mục tiêu cả trên đất liền lẫn trên biển với độ chính xác cao. Đây là tên lửa được áp dụng công nghệ hiện đại như công nghệ men theo địa hình (TERCOM), công nghệ tương quan với cảnh quan kỹ thuật số (DSMAC), được bổ sung bộ điều khiển hành trình từ xa, có tính năng tàng hình và mang được đầu đạn hạt nhân. Trước đó, báo chí Ấn Độ dẫn báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết, việc Pakistan cải thiện số lượng và chất lượng kho vũ khí hạt nhân; đồng thời mở rộng các tình huống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, trước hết là để đối phó với Ấn Độ. CRS cho rằng Pakistan hiện có ít nhất 90 đến 110 đầu đạn hạt nhân.

Đây không phải là lần đầu tiên, Ấn Độ và Pakistan dùng các vụ thử tên lửa để phát đi thông điệp về "tiến bộ" quân sự. Kể từ khi cả hai nước tuyên bố có khả năng vũ khí hạt nhân (1998), nhiều vụ thử đã được tiến hành và gần đây, các vụ thử đã diễn ra với tần suất ngày một nhiều. Tháng 4-2012, Ấn Độ thử tên lửa Agni-5 có tầm bắn lên tới 5.000km, có thể vươn tới hầu khắp Châu Á và một phần của Châu Âu. Agni-5 dự kiến sẽ hoạt động chính thức trong khoảng từ năm 2014 tới năm 2015. Mặc dù hai nước đang trong giai đoạn đối thoại nhưng vụ thử tên lửa này đã khơi mào cho một cuộc đua vũ trang ngầm giữa Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan. Cứ mỗi khi nước này thử tên lửa tầm xa hơn, mạnh hơn, thì nước kia cũng tuyên bố thử tên lửa tương đương. Điều đó đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Pakistan và Ấn Độ đều sở hữu vũ khí hạt nhân và hai nước đều chưa ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Do đó, "cơn sóng ngầm" đang diễn ra khiến dư luận quan ngại bởi trong quá khứ, mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này đã không "xuôi chèo mát mái". Kể từ khi độc lập năm 1947 đến nay, hai nước đã trải qua ba cuộc chiến. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh quan hệ Washington - Islamabad không ổn định thì New Delhi là một chiếc neo tin cậy của Mỹ tại Nam Á. Do đó, Pakistan phải hành động và các vụ thử tên lửa là một bước trong các hành động "tự vệ" của Pakistan.

Hiện tại, quan hệ giữa Ấn Độ - Pakistan đang có chiều hướng tích cực. Đầu tháng 9 này, nhân chuyến thăm Pakistan của Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna, hai bên đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cải thiện quan hệ, nhất là về thương mại vùng biên; đồng thời nhất trí xây dựng lòng tin (CBM) qua Tuyến kiểm soát (LoC) trên biên giới và thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn dọc giới tuyến (ký năm 2003), coi đó như một phần của nỗ lực tăng cường CBM giữa hai nước. Dư luận hy vọng, những tiến triển đạt được giữa hai quốc gia sở hữu hạt nhân tại Nam Á sẽ giúp giảm tải "cơn sóng ngầm" đang lăm le trỗi dậy.

Trung Hiếu