Sử dụng bằng cấp giả bị xử lý như thế nào?
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 21/09/2012
Một người đang làm nhân viên kế toán hợp đồng trong một trường học. Do muốn được tuyển dụng vào biên chế nhà nước để có việc làm ổn định hơn, nên định "mua" bằng đại học kinh tế giả để hoàn thiện hồ sơ. Nhiều người bảo việc làm đó là sai nhưng người này vẫn tin tưởng, vì người bán văn bằng đã hứa bảo đảm mang đi công chứng mà không bị phát hiện. Vậy, sử dụng bằng cấp giả bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Nguyễn Thị Hạnh (huyện Chương Mỹ)
Luật gia Hoàng Xuân Hiến (điện thoại: 098.335.1928; email: hoangxuan hienqo@gmail.com) trả lời:
- Điều 267, Bộ luật Hình sự quy định như sau: 1) Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3) Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm. 4) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Như vậy, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi "sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả" là một điều cấm. Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi, nếu mục đích đó "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân" thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Theo thông tin chị Nguyễn Thị Hạnh cung cấp và hỏi người sử dụng bằng cấp giả khi bị phát hiện (trong trường hợp chứng thực văn bằng, hoặc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ...) thì có thể sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 14, Nghị định số 49 ngày 11-4-2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục người có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi văn bằng, chứng chỉ vi phạm. Việc sử dụng bằng cấp giả là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm. Chị Hạnh nên khuyên ai có ý định thì không nên mua bằng giả.