Khoa học trước hết phải là niềm vui
Công nghệ - Ngày đăng : 05:59, 21/09/2012
(HNM) - Với phương châm này, các nhà truyền thông Hàn Quốc đã biến kiến thức khoa học khô cứng trở thành niềm vui cho mỗi người. Đây là khởi nguồn để mọi người dân nước này có cơ hội khám phá thế giới xung quanh, hiểu rõ sở trường của cá nhân để phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mình.
Văn hóa khoa học
"Tầm nhìn về các mô hình kinh doanh dựa trên văn hóa khoa học" là tên khóa học vừa diễn ra tại Seoul mà các chuyên gia của Tập đoàn Truyền thông khoa học, công nghệ (KHCN) Đông Á (Hàn Quốc) muốn truyền tải cho các học viên Việt Nam. Có nhiều điều đáng ghi nhận trong việc truyền thông KHCN đến với công chúng của Đông Á có thể áp dụng được ở Việt Nam.
Ngay từ nhỏ, trẻ em Hàn Quốc đã được giải thích về những vấn đề khoa học thông qua việc thăm Bảo tàng KHCN quốc gia Gwacheon. Ảnh: Thế Dũng
Trước hết, cụm từ "văn hóa khoa học" được nhắc đi nhắc lại trong suốt quá trình thuyết minh về sự thành công của Tập đoàn Truyền thông Đông Á. Đây là tập đoàn truyền thông về KHCN nổi tiếng của Hàn Quốc cũng như trên thế giới với các sản phẩm truyền hình phát thanh, báo giấy, các tạp chí KHCN dành cho mọi đối tượng, đồ chơi trí tuệ…
Ông Kim Doo-hie, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tạp chí Đông Á cho biết, sở dĩ mọi hoạt động của tổ chức này bắt nguồn từ văn hóa khoa học bởi nếu coi khoa học đơn thuần là con số, là kết quả nghiên cứu thì rất khó thuyết phục người dân. Văn hóa được hiểu là sự nắm bắt thông tin, xuất phát từ nhu cầu của độc giả để phục vụ tốt hơn "thượng đế" của mình.
Từ văn hóa, cách mà các nhà truyền thông ở Đông Á chọn là tạo hứng thú, kích thích sự tò mò để khoa học trở thành niềm vui. Khó hiểu và trừu tượng như điện hạt nhân nhưng với cách truyền tải gần gũi thông qua các câu chuyện, hình ảnh sống động, các phản ứng hạt nhân, tương tác phân tử… đã trở nên dễ hiểu. Cầm cuốn tạp chí trên tay, bất cứ người dân nào cũng có thể dễ dàng hiểu được cơ chế tạo điện hạt nhân, các quy trình hoạt động cũng như cách phòng tránh rủi ro, khi ấy họ sẽ đồng thuận với chính phủ trong việc phát triển điện hạt nhân.
Đông Á cũng phát triển phòng nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm sản phẩm mới. Các sản phẩm mới, công nghệ mới sẽ được mô hình hóa một cách dễ hiểu nhất bằng các mảnh ghép, truyện tranh, phim hoạt hình, vật dụng cá nhân. Cách làm này giúp người dân, đặc biệt là trẻ em, dễ dàng nắm bắt công nghệ và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày cũng như kích thích khả năng nghiên cứu, sáng tạo để cho ra những sản phẩm tối tân hơn. Cũng bằng phương pháp này, Đông Á đang là cầu nối giúp các doanh nghiệp KHCN cao như Samsung, Hyundai… đưa các sản phẩm công nghệ cao đến với người tiêu dùng.
Biến kiến thức khoa học thành thường thức Để biến kiến thức khô khan thành thông tin đời thường, dễ hiểu, hấp dẫn, cách mà Đông Á đang làm là dựa trên kiến thức của các nhà khoa học. Với quan niệm, chỉ khi nào thực sự hiểu sâu, hiểu cặn kẽ một vấn đề khoa học nào đó, thì người ta mới có thể nói dễ hiểu nhất về chúng nên Đông Á xác định, đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành về các lĩnh vực KHCN luôn là nòng cốt. Các sản phẩm truyền thông của Đông Á đều do các giáo sư đảm nhận và biên tập viên, phóng viên Đông Á chỉ làm nhiệm vụ biên tập. Đây là cách mã hóa các kiến thức khoa học thành kiến thức thường thức. Bên cạnh đó, Đông Á cũng thường xuyên tổ chức, phát hiện để bồi dưỡng các cây viết từ sinh viên chuyên ngành KHCN nhằm xây dựng một đội ngũ tác giả vừa có kiến thức về khoa học vừa có kỹ năng truyền tải thông tin; tổ chức các cuộc thi viết về khoa học...
Từ những thành công của mình, Đông Á đang kỳ vọng sẽ truyền tải niềm yêu thích khoa học cho trẻ em trên thế giới. Hiện tập đoàn này đang triển khai dự án tại 13 nước thông qua 32 nhóm tình nguyện và 10.000 trẻ em, do Chính phủ và một số đối tác tài trợ. Các tình nguyện viên của dự án thông qua các lớp học, các buổi sinh hoạt và các mô hình sản phẩm đơn giản đã cố gắng truyền tải sự hứng thú với khoa học tới thiếu nhi một số nước. Dự án này cũng đã đến Việt Nam vào đầu năm 2012.
Thành công của Đông Á cũng gợi mở cho truyền thông KHCN ở Việt Nam những hướng tiếp cận mới như xuất bản sách phổ biến kiến thức với hình thức truyện tranh, giải đáp các đạo luật KHCN thông qua các tình huống cụ thể đời thường… Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên thì một cuốn sách phổ cập kiến thức như cách mà Đông Á đang làm là rất hiệu quả và hữu ích.