Bài 5: Ngang qua những “tiểu vùng văn hóa”

Xã hội - Ngày đăng : 05:56, 21/09/2012

(HNM) - Trong những bài viết trước, nhóm PV Hànộimới tiếp cận, phản ánh cách thức ứng xử của người Hà Nội hiện đại, cố gắng đưa ra cái nhìn chung về vấn đề đang được nhiều người quan tâm, gợi ý nhận định rằng, người Hà Nội vẫn đang trong quá trình tự thanh lọc những gì không phù hợp chuẩn mực thanh lịch, văn minh và Thủ đô có thể tự tin về điều đó.


Bức tranh chung ấy có những mảng màu đồng điệu ở một số nhóm xã hội, ở một số ngành, lĩnh vực - cả về điều hay và sự dở mà từ đó có thể đặt vấn đề về sự hình thành những "tiểu vùng văn hóa" trong lòng Hà Nội.

 Một ngày gần đây, khi trao đổi với PV Hànộimới về lối sống của học sinh (HS), sinh viên (SV) Hà Nội hiện nay, một nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục cho rằng, đang hình thành "một tiểu vùng văn hóa tuổi trẻ học đường Hà Nội". Trong "tiểu vùng văn hóa" ấy tồn tại tổ hợp đặc thù về giá trị và chuẩn mực hành vi, thị hiếu, phong cách, phương thức giao tiếp...

Cách đặt vấn đề nói trên gợi ý khái niệm "tiểu vùng văn hóa" - trong phạm vi loạt bài này là văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại - có nội hàm rộng, không chỉ "gói" riêng vấn đề của giới trẻ học đường mà còn của các nhóm xã hội, những ngành, lĩnh vực khác.

"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" là câu nói ám chỉ sự tinh quái, nghịch ngợm của giới trẻ học đường. Ở mỗi thời, dường như cái sự tinh quái ấy lại có nét riêng.

Trong lòng một Hà Nội ngày càng rõ nét hiện đại, dễ thấy sự thay đổi của giới trẻ, từ điều kiện sống và học tập đến tiêu dùng, cung cách ứng xử, giao tiếp. Phần lớn HS Hà Nội muốn tỏ ra sành điệu, như "ngôn ngữ mới" là "chuẩn không cần chỉnh". Trang phục đẹp, hợp thời. Giày dép, đồng hồ, điện thoại được đong đếm bằng xê ri, đời, nhãn hiệu. Những sách, vở, cặp sách, ba lô, ngoài sử dụng cho việc học thì còn có ý nghĩa làm đẹp, thường được thêm tấm hình chân dung mỹ nhân, người hùng, vài câu tiếng Anh kích hoạt sự tò mò. Học trò trước kia ngoài giờ học thường phải về nhà gặt hái, cơm nước, nay bận rộn với phần việc không thể thiếu là giao lưu, gặp gỡ ngoài trường. Những lễ mừng sinh nhật say sưa với bài ca "Chúc mừng sinh nhật" nửa Anh nửa Việt, những đêm đón giao thừa, vui Noel, hưởng ứng lễ tình nhân và thậm chí là cả đi xem bói. Giới trẻ học và chơi, cũng như người lớn làm và giải trí nhưng theo một lối riêng, đơn giản là không muốn mình giống ai.

HS Hà Nội giờ hơn hẳn cha ông về khả năng tiếp cận cái mới. Khi internet trở thành công cụ giao tiếp phổ biến, giới trẻ tìm thấy ở đó sự thú vị đặc biệt ngoài ý nghĩa tiện ích, đến mức mà nhiều trẻ đắm chìm trong thế giới ảo, bất kể hệ lụy là gì. Giải trí bằng cách vùi đầu trong "quán nét" giờ không chỉ dễ thấy ở trung tâm thành phố mà còn rõ ở những vùng xa, cung cách ấy tạo điều kiện cho "virus hành vi phản cảm" lan truyền nhanh chóng, có thể lấn át trải nghiệm về tình thương, lẽ phải, bổn phận. "Ngôn ngữ máy tính" đang dần lộ ưu thế nhất định, thể hiện rõ trong giao tiếp của nhiều HS với bạn bè, thầy giáo, cô giáo, thậm chí len lỏi vào những bài tập làm văn. Trong một số trường hợp, những quy tắc cú pháp, chủ - vị… của tiếng Việt không còn là ưu tiên, nhường chỗ cho sự cẩu thả và lối nói - viết ngắn gọn đến mức cụt lủn, chỉ mang tính thông báo. Thế giới ngôn ngữ riêng nửa Anh nửa Việt của một nhóm có thể khiến phần còn lại không hiểu gì, chẳng hạn như khi họ viết "bùn kừi wá nhỉ!", "mìn hog nói dzối đâu!". Thay vì "chào bạn", nhiều người trẻ viết "2 bạn"; thay vì "chúc bạn ngủ ngon", họ sẽ gõ "g9"… Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Báo Hànộimới về ngôn ngữ giao tiếp của người Hà Nội (“Vẹn nguyên một nét hào hoa” trang 5, số ra ngày 19-9-2012), TS Nguyễn Văn Khang nói rằng: "Nhịp sống nhanh thì đương nhiên nhiều thứ sẽ thay đổi, ăn cũng phải nhanh, làm việc, đi lại cũng nhanh hơn. Cách thức, ngôn ngữ giao tiếp cũng khác, có điều là phải phù hợp với đối tượng và bối cảnh. Giới trẻ năng động, thích cái mới, nhưng đem ngôn ngữ chat vào nhà trường là sai". Sự "khác lạ" trong ngôn ngữ giao tiếp của một bộ phận HS Hà Nội cho thấy vấn đề lớn hơn, là sự đi quá giới hạn, bất chấp quy chuẩn chứ không đơn giản là sự nhanh nhạy hướng đến cái mới. Khi mà tính biểu cảm bị hạn chế ở mức thấp trong ngôn ngữ giao tiếp, thành quen thì sự vô cảm có thể lan truyền trong ý thức dẫn dắt hành vi thiếu chuẩn mực.

Lề lối ứng xử, giao tiếp của HS Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn trong nước đang có sự thay đổi nhanh chóng, cả trong môi trường gia đình, nhà trường và trong xã hội rộng lớn. Bên những điều hay là sự dở, hoặc giả là những cung cách không phù hợp với truyền thống. Thời kinh tế thị trường tạo cơ hội cho lối sống thực dụng nhưng sự mẫu mực, lòng yêu thương còn đó trong đời sống thường nhật. Cuộc sống của giới trẻ có vô vàn chuyện cảm động, những con người giàu lòng nhân ái biết thông cảm và sẵn lòng sẻ chia. Như câu chuyện về cuộc sống của bé Thiện Nhân đã rõ là "cổ tích thời hiện đại", một tấm gương sáng về sự hiếu thảo về sự sẻ chia, nghị lực vượt khó để hướng tới những điều tốt đẹp. Như tấm gương học hành của cậu học trò Lê Đức Duẩn với chiếc xe han gỉ, "không bàn đạp, lốp mòn nhẵn thín, trộm chẳng buồn lấy" kẽo kẹt tới trường suốt 12 năm qua để rồi đỗ thủ khoa ĐH Dược. Như là nỗi trăn trở khôn nguôi của cậu học trò nghèo Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Nguyễn Trung Hiếu về cuộc sống mưu sinh và tình thương đối với người mẹ bệnh tật. Như là sẵn lòng hiến tặng máu cho bệnh nhân nghèo, giúp bạn vượt khó khăn…

Trong thế giới riêng của những người trẻ dễ thấy sự song hành của sự được và chưa được. Nếu có thể nói về một "tiểu vùng văn hóa" của HS, SV thì với "tiểu vùng" ấy, điều quan trọng là tạo lập một môi trường chuẩn mực để những điều tốt đẹp có ý nghĩa dẫn đường.

(Còn tiếp)

Vân Anh - Mai Hoa - Hồng Hạnh