Những điều chưa ổn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 20/09/2012

(HNM) - Đã hơn 3 năm kể từ ngày Bộ Chính trị ra lời kêu gọi hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đó là khoảng thời gian đủ để đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về cuộc vận động này, bao gồm thực trạng, những yếu tố liên quan đến hiệu quả thực tế và sự điều chỉnh cần có.

Cho đến giờ, liệu đã rõ bức tranh toàn cảnh về cuộc vận động này, trong đó điều quan trọng nhất là xác định rõ tâm lý người Việt trong việc sử dụng hàng hóa hiện nay, những chỉ số đã phản ánh hiện trạng hay chưa? Rất khó để khẳng định là đã có - đủ, khái quát và chính xác.

Hai ngày trước, tại một cuộc hội thảo do Bộ Công thương và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, chủ đề là "Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại - Cần một chiến lược lâu dài", số liệu liên quan (trong phạm vi hẹp - hệ thống bán lẻ) đã được công bố. Đáng chú ý là sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kết quả nghiên cứu của Công ty Grey Group (Mỹ) cho thấy có tới hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam "ưa chuộng và sử dụng hàng Việt Nam". Hàng hóa trong các siêu thị lớn đã tăng dần tỷ lệ hàng nội địa, nhiều nơi đã tiến sát hoặc đạt mức tuyệt đối. Số liệu là thế, liệu đã có thể mừng ngay được?

Dù thực tế là ngày càng có nhiều người sử dụng hàng Việt thì vẫn có những điều chưa thể yên tâm:

Thứ nhất, số liệu được dẫn trong một số hội nghị, hội thảo gần đây chưa thực sự mang tính bao quát vấn đề liên quan, như là về thái độ, tâm lý của người tiêu dùng đối với toàn bộ ngành hàng tiêu dùng. Số liệu thường là được tổng hợp thông qua những cuộc khảo sát trong diện hẹp người tiêu dùng, hoặc là dựa trên một nhóm kinh doanh cụ thể. Số liệu mang tính đại diện thì chưa thể cho bức tranh toàn cảnh. Ví dụ, tỷ lệ hàng Việt được đưa vào lưu thông tại một số siêu thị tăng cao không có nghĩa là sức cạnh tranh của hàng Việt đã ở thế áp đảo và người tiêu dùng sẽ chọn nó.

Thứ hai, mạng lưới phân phối hàng Việt Nam hiện chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhu cầu của người tiêu dùng, cả về sự tiện lợi, thái độ phục vụ và sự minh bạch về chất lượng, giá cả. Hàng giả, hàng nhái, thậm chí là hàng ngoại rẻ tiền núp bóng hàng Việt chất lượng cao vẫn còn là vấn nạn cản trở thói quen dùng hàng Việt.

Thứ ba, hệ thống giám sát chất lượng hàng hóa Việt Nam chưa cho thấy hiệu quả cần thiết, bằng chứng là chưa loại trừ vấn nạn đã nói ở trên.

Tất nhiên là còn có thể kể ra những nguyên nhân gián tiếp khác nữa, liên quan đến chất lượng công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; chính sách bảo hộ hàng nội địa, hiệu quả của việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp có tranh chấp...

Đối với một cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng đối với nền sản xuất trong nước như "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", điều quan trọng là phải huy động được sự vào cuộc đồng thời, đủ mức cần thiết của các ngành liên quan, cả cấp trung ương và địa phương, bởi chủ trương đúng không thể thành hiện thực nếu cơ quan thực hiện không thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Sau ba năm thực hiện, cuộc vận động ý nghĩa này cần phải được sơ kết một cách đầy đủ hơn nhằm tìm ra sự "được", "chưa được", từ đó có sự điều chỉnh hoặc tìm kiếm giải pháp bổ sung cần thiết. Mục tiêu bao trùm của các phần việc nói trên không có gì ngoài nâng cao chất lượng hàng nội, củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Dục Tú