Để ngăn chặn rượu giả hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 08:49, 19/09/2012
Rượu lậu |
Bắt hàng loạt vụ sản xuất rượu giả, rượu nhập lậu
Theo Hiệp hội Chống rượu giả của các công ty rượu mạnh quốc tế tại VN (IFSP), trong năm 2011 IFSP đã phối hợp với cơ quan chức năng VN triệt phá 21 vụ, bắt được 16 tội phạm và thu được 6.030 dụng cụ liên quan đến rượu giả (bao gồm vỏ chai, nắp, tem, nhãn mác…). Trong 8 tháng đầu năm nay, có 13 vụ với 13 tội phạm bị bắt giữ và 6.513 dụng cụ làm giả bị tịch thu.
Bên cạnh đó, theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ tháng 11/2011 đến tháng 6/2012 đã có hàng trăm vụ rượu ngoại nhập lậu bị xử lý và 83.096 chai rượu lậu các loại bị tịch thu. Cũng theo các cơ quan chức năng, 60-70% lượng rượu ngoại trên thị trường là rượu lậu được nhập khẩu bất hợp pháp vào VN qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và qua việc gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất.
Phù hợp với kết quả thực thi trên đây, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN (VATAP) cho biết tại hội thảo “Cập nhật tình hình chống hàng giả” tổ chức ngày 13-9 vừa qua tại TP.HCM, tỉ lệ hàng giả của các sản phẩm rượu mạnh cao cấp trên thị trường đã giảm mạnh trong những năm gần đây.
Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, ông Nicolas Aasheim, đại diện IFSP Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của một số doanh nghiệp nước ngoài trong việc chống hàng giả, trong đó có các quy trình như thu thập thông tin từ hệ thống bán hàng, tìm hiểu thị tường, phân tích xác định địa điểm, đối tượng làm giả rồi cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Cần biện pháp mạnh hơn
Tuy vậy, theo các cơ quan chức năng, hành vi sản xuất kinh doanh rượu giả, nhập lậu ngày càng tinh vi hơn đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác ngăn chặn. Các đối tượng sản xuất hàng giả rất có kinh nghiệm đối phó với kỹ thuật điều tra của cơ quan chức năng, luôn luôn cải tiến kỹ thuật, nhanh chóng sao chép công nghệ chống hàng giả của các công ty chính hãng.
Ngoài phương thức vận chuyển qua biên giới đường bộ qua khu vực cánh gà của các cửa khẩu quốc tế khu vực Tây Nam, miền Trung, một số lượng rất lớn rượu lậu còn được đưa vào VN qua các hình thức gian lận khi làm thủ tục thông quan hàng nhập khẩu (nhập nhiều khai ít, nhập rượu ngoại nhưng khai là hàng khác…) và lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất để tuồn hàng vào thị trường. Sẽ nguy hiểm hơn khi rượu giả trộn lẫn vào rượu ngoại nhập lậu hoặc các loại hàng hóa khác nhập lậu vào VN. Rất khó để xác định số lượng hay tỷ lệ rượu giả nhập lậu vào VN thông qua con đường này.
“Công tác đấu tranh, xử lý rượu giả, rượu ngoại nhập lậu trong thời gian qua có nhiều cố gắng nhưng còn nhiều yếu kém. Vì thế, kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường kiểm tra chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu qua các tuyến biên giới, đặc biệt là phải đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận khi làm thủ tục thông quan và ngăn chặn hành vi lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, kiện toàn lại hệ thống thanh tra, kiểm tra thị trường, nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi…”, ông Lê Thế Bảo kiến nghị.
Rượu giả trên thị trường giảm đáng kể Theo VATAP, tỉ lệ hàng giả của các sản phẩm rượu mạnh cao cấp trên thị trường đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. VATAP đã đưa ra nhận định này dựa vào kết quả của các cuộc khảo sát thị trường rượu mạnh cao cấp được thực hiện đều đặn trong giai đoạn 2009-2011 tại các thành phố lớn của Việt Nam, bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ và kết quả đấu tranh chống hàng giả của các thành viên VATAP phối hợp với cơ quan chức năng trong cả nước trong thời gian vừa qua. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi NSP – một công ty Thái Lan chuyên về nghiên cứu thị trường các sản phẩm có cồn ở Châu Á. Theo đó, tỉ lệ rượu giả đã giảm mạnh từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4,4% năm 2011. Về cách thức khảo sát, ông Lê Thế Bảo, chủ tịch VATAP cho biết NSP đã mua ngẫu nhiên hàng ngàn chai hoặc ly rượu từ các quầy rượu, quán bar, vũ trường, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn cao cấp... Các mẫu rượu này sau đó được phân tích trên hệ thống máy móc chuyên biệt để xem có bao nhiêu là giả, bao nhiêu là thật. |