Quan hệ Trung-Nhật: Biển Hoa Đông dậy sóng
Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 19/09/2012
Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cuối tuần qua rằng sẽ đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku ra Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên họp cuối tháng này cho thấy, việc giải quyết chủ quyền lãnh hải giữa hai cường quốc khu vực trên cơ sở đối thoại song phương xem ra ngày càng khó.
Biểu tình phản đối Nhật Bản diễn ra trên một số đường phố ở Trung Quốc.
Cùng với quyết định tung ra khoảng 2,05 tỷ yên (tương đương 26 triệu USD) để quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku, tuyên bố của Thủ tướng Y.Noda đã làm dấy lên làn sóng biểu tình đường phố khắp nơi ở Trung Quốc suốt mấy ngày qua. Căng thẳng dường như đã vượt quá giới hạn khi những cuộc biểu tình - có quy mô và địa điểm lớn nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972 đến nay - đã nhuốm màu bạo lực. Không chỉ đe dọa an ninh của các công dân và hoạt động của công ty Nhật Bản, hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực đường phố những ngày qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của Nhật Bản khi những người biểu tình quá khích đốt phá những tài sản do Nhật Bản sản xuất, kích động một làn sóng "bài Nhật" mới ở Trung Quốc.
Không ngoài dự đoán của giới phân tích, căng thẳng giữa hai đầu tàu kinh tế thế giới xung quanh chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã tác động trực tiếp đến hợp tác kinh tế của hai nước. Như một giải pháp tình thế để khẳng định chủ quyền quần đảo tranh chấp, Trung Quốc đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế Nhật Bản, trong khi nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động các nhà máy và cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc để bảo đảm an ninh trước làn sóng biểu tình. Cuộc "đối đầu" Nhật - Trung đã không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu của các công ty Nhật Bản niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, mà còn tác động đến việc học của các học sinh khi nhiều trường học Nhật Bản tại các thành phố lớn của Trung Quốc phải tạm nghỉ học, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng sẽ bảo vệ các công ty và công dân Nhật Bản khi kêu gọi những người biểu tình tuân thủ luật pháp. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu làn sóng bài Nhật nhuốm màu bạo lực tiếp diễn và không được kiểm soát, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chuyển hướng đầu tư sang nước khác. Khi đó không chỉ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bị ảnh hưởng, mà thương mại song phương Trung - Nhật cũng sẽ bị tác động mạnh. Bởi, chỉ riêng năm 2011 Nhật Bản đã đầu tư số tiền lên đến 342,9 tỉ USD vào Trung Quốc.
Giữa lúc quan hệ Trung - Nhật chưa có dấu hiệu bớt "nóng", sự kiện Mỹ và Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận triển khai hệ thống rađa phòng thủ tên lửa X-band thứ hai trên lãnh thổ đất nước Mặt trời mọc đã khiến Trung Quốc quan tâm. Dù khẳng định hệ thống này chỉ nhằm giúp Nhật Bản tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, nhưng với hệ thống phòng thủ lãnh hải và không phận mới, Tokyo đã khiến Bắc Kinh thêm nghi ngờ Mỹ về sự kiềm chế quân sự đang phát triển của Trung Quốc trong khu vực. Quan ngại này xem ra có cơ sở bởi ngoài giúp nhanh chóng phát hiện tên lửa đạn đạo, hệ thống rađa phòng thủ mới đi vào hoạt động sẽ giúp quân đội Mỹ và đồng minh có thể kiểm soát toàn diện hoạt động tàu bè trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang có những tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước tại đây.
Quan hệ Trung - Nhật "nổi sóng" sau một loạt động thái gây căng thẳng của cả hai bên trong những ngày qua, đặc biệt sau khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thao diễn bắn đạn thật trên Biển Hoa Đông. Thông tin mới nhất về khả năng khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc sẽ có mặt ở các vùng biển tranh chấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - như một biện pháp đáp lại của Trung Quốc trước quyết định quốc hữu hóa ba hòn đảo trên của Nhật Bản - dự báo biển Hoa Đông sẽ tiếp tục dậy sóng.