Băn khoăn về vốn lẫn công nghệ
Xe++ - Ngày đăng : 06:28, 19/09/2012
Ông Lương Đức Khoa, Điều phối viên ôzôn thuộc Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, theo kết quả điều tra do Bộ kết hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện, Việt Nam có gần 70 DN sản xuất xốp. Trong đó có 12 DN sản xuất xốp cách nhiệt sử dụng cả hai loại HCFC-141b nguyên chất và polyol trộn sẵn HCFC-141b, số còn lại chỉ sử dụng polyol trộn sẵn HCFC-141b. Theo phê duyệt giai đoạn 1 của dự án "Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam" thì đến năm 2016 Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn việc sử dụng gần 500 tấn HCFC-141b nguyên chất và gần 2.000 tấn polyol trộn sẵn HCFC-141b tại 12 DN nêu trên. Việc loại trừ thông qua phương pháp thay thế toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất xốp dùng HCFC-141b sang công nghệ sản xuất xốp sử dụng Cyclopentane thân thiện với môi trường.
Trong 12 DN nói trên TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/3, với 4 DN tư nhân chuyên sản xuất xốp cách nhiệt. Mặc dù, theo đề án mà dự án đưa ra, các DN trên sẽ được tài trợ 80-90% số vốn không hoàn lại từ World Bank, tuy nhiên, nhiều DN trên địa bàn TP vẫn tỏ ra e ngại về chi phí tài trợ lẫn công nghệ chuyển đổi.
"Khi thực hiện dự án, không biết việc chuyển đổi công nghệ chỉ áp dụng cho một loại máy bơm trộn trong sản xuất xốp (có chứa chất HCFC-141b) hay phải thay đổi toàn bộ hệ thống dây chuyền? Nếu việc thay đổi một bộ phận máy liệu có khớp với hàng trăm thiết bị máy móc còn lại của công ty...?" - Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc kinh doanh lạnh công nghiệp, Công ty một thành viên kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) bày tỏ băn khoăn. Mặt khác, theo ông Huỳnh Đức Mảnh, Giám đốc Công ty TNHH Tấm panel cách nhiệt TP (huyện Bình Chánh), công ty được hỗ trợ vốn là 668.300 USD để thay thế công nghệ mới. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, trong tổng số tiền được tài trợ thực hiện chuyển đổi giai đoạn đầu thì DN chỉ được ứng trước 10%, còn lại phải bỏ tiền ra rồi mới được thanh toán sau. Xét về năng lực tài chính hiện nay, công ty sẽ khó đảm đương được điều kiện này bởi vay vốn ngân hàng trong giai đoạn hiện nay là rất khó, chưa nói đến chuyện lãi suất.
Đáng nói là hiện nay, khoảng 5% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khi đó, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì phải đến năm 2014, công ty mới thay đổi xong thiết bị công nghệ mới, trong khi đó các thị trường khó tính tại các nước phát triển trên thế giới đã áp dụng việc không nhập các sản phẩm chứa lượng HCFC quá quy định. Như vậy từ nay đến 2014, sự thiệt hại của công ty sẽ rất khó lường.
Theo ông Lương Đức Khoa, Điều phối viên ôzôn thuộc Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trong giai đoạn 1 của dự án, khó khăn lớn nhất của 12 DN khi chuyển đổi là giá thiết bị và nguyên liệu mới thay thế cho HCFC cao, khiến giá thành sản phẩm tăng, phần nào làm giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên nếu chuyển đổi, các DN có thể mở rộng được thị trường xuất khẩu tại các nước Châu Âu, Mỹ, là những nước đã cấm nhập khẩu các sản phẩm trực tiếp, gián tiếp chứa HCFC.