Cần hỗ trợ tiêu thụ, bảo quản nhãn chín muộn cho nông dân

Kinh tế - Ngày đăng : 05:50, 19/09/2012

(HNM) - Chiều 18-9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã đến thăm mô hình thâm canh nhãn chín muộn tại huyện Hoài Đức và trao Giấy chứng nhận VietGap cho Hiệp hội nhãn chín muộn Hoài Đức.

Đề án Phát triển cây ăn quả Hà Nội xác định, nhãn chín muộn là một trong bốn loại cây ăn quả được TP ưu tiên phát triển, nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn. Theo quy hoạch, vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung dọc theo bãi sông Đáy, trung tâm là xã Đại Thành (Quốc Oai) với 115ha và xã An Thượng (Hoài Đức) 50ha, sau đó phát triển ra các xã lân cận. Trong 2 năm 2011-2012, Trung tâm Giống cây trồng đã triển khai thâm canh 60ha nhãn chín muộn, trồng mới 10ha và ghép cải tạo vườn tạp kém hiệu quả 5ha tại Hoài Đức. Sau 2 năm triển khai thâm canh chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình nhãn chín   muộn cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, được nhiều hộ chọn lựa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sau khi thăm 2 trang trại ở Hoài Đức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho biết, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt khuyến khích các mô hình chuyển đổi có giá trị kinh tế cao. Đối với mô hình nhãn chín muộn Hoài Đức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu chính quyền địa phương huyện, xã cần có những cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân mở rộng và yên tâm sản xuất. Sở NN&PTNT cần có kế hoạch mở rộng diện tích phù hợp, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân. Trước kiến nghị của Hiệp hội nhãn chín muộn Hoài Đức về việc các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu tìm cách bảo quản nhãn chín muộn được lâu, tìm hướng xuất khẩu, Phó Bí thư Thường trực yêu cầu, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ xây dựng dự án bảo quản nhãn chín muộn, sớm nghiên cứu tìm cách bảo quản nhãn tốt nhất. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ổn định đầu ra cho nông dân, tránh phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch.

Đào Huyền