Sau năm 2020: Sẽ thoát nạn ô nhiễm?

Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 18/09/2012

(HNM) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đến năm 2020 xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng. Hàng loạt giải pháp đồng bộ sẽ được thực hiện, từ việc nâng mức xử phạt; tăng cường sự tham gia giám sát của cộng đồng cho đến hỗ trợ tài chính, thuế… trong việc xử lý dứt điểm ô nhiễm.

Xóa gần 4.000 cơ sở ONMT nghiêm trọng

Vấn đề xử lý triệt để các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo ngay từ năm 2003 với Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn I (đến năm 2007) xử lý dứt điểm 439 cơ sở. Giai đoạn II (từ 2008 đến 2012), triển khai nhân rộng, xử lý triệt để 3.856 cơ sở còn lại và các cơ sở mới phát sinh.

Lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra hệ thống xử lý chất thải của Công ty Tung Kuang (Hải Dương). Ảnh: TTXVN

Ông Hoàng Văn Thức, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường cho biết, trong 439 cơ sở thuộc giai đoạn I, đã có 370 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý, cải tạo môi trường (đạt 84,3%). Trong 3.856 cơ sở thuộc giai đoạn II, nay chỉ còn 372 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã chủ động xử lý cơ sở mới phát sinh khác. Một bước tiến quan trọng là đã hình thành hệ thống cơ chế, chính sách trong xử lý cơ sở gây ONMT nghiêm trọng khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, bao gồm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho đến chế tài xử lý nghiêm, có tính răn đe, buộc cơ sở phải khắc phục, xử lý ô nhiễm. Đây là tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm trong thời gian tới.

Theo lộ trình và mục tiêu của Bộ TN&MT, đến năm 2015 sẽ hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng đã được rà soát đến năm 2012, và đến năm 2020 xử lý triệt để các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng đã được rà soát bổ sung đến năm 2015. Chấm dứt tình trạng phát sinh cơ sở mới, bảo đảm trên phạm vi cả nước không còn cơ sở gây ONMT nghiêm trọng. Để xử lý triệt để, cơ quan chức năng sẽ buộc cơ sở gây ô nhiễm áp dụng biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và xây dựng kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về môi trường địa phương để kiểm tra, theo dõi. Công khai thông tin về cơ sở gây ô nhiễm cho chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư để cùng phối hợp giám sát. Tổ chức cưỡng chế đối với trường hợp không thực hiện quyết định tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động…

Hỗ trợ cơ sở giải quyết ô nhiễm

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Bộ TN&MT đưa ra một số nhóm giải pháp quan trọng. Thứ nhất là nhóm giải pháp về thể chế, chính sách. Trong đó tập trung hỗ trợ cơ sở gây ONMT nghiêm trọng xử lý ô nhiễm triệt để về thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất (đối với cơ sở phải di dời địa điểm) và hỗ trợ cơ sở được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường và các nguồn vốn ưu đãi khác. Xây dựng cơ chế giám sát của cộng đồng đối với việc thực hiện quyết định tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với cơ sở gây ô nhiễm… Thứ hai là nhóm giải pháp về nguồn lực tài chính theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; tăng cường xã hội hóa công tác xử lý triệt để cơ sở ONMT nghiêm trọng, đặc biệt là cơ sở thuộc khu vực công ích… Thứ ba là nhóm giải pháp hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Trong đó đẩy mạnh thẩm định, giới thiệu, quảng bá công nghệ xử lý ONMT; làm rõ ưu, nhược điểm của từng công nghệ; áp dụng chính sách ưu đãi theo quy định cho cơ sở gây ONMT nghiêm trọng để đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường…

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, giai đoạn tới đây sẽ có sự phân công trách nhiệm rạch ròi giữa trung ương và địa phương và phân cấp mạnh cho địa phương trong việc kiểm tra, xử lý. Mức phạt đã được nâng cao, có thể lên tới 2 tỷ đồng/vụ vi phạm, được các địa phương đánh giá là phù hợp, đủ sức răn đe. Ý thức của cộng đồng dân cư và cơ quan quản lý địa phương ngày càng cao hơn cũng trở thành áp lực đối với cơ sở gây ô nhiễm. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc chống gây ô nhiễm ở địa bàn là một hướng đi mới có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm cho môi trường ngày càng sạch đẹp hơn.

Đại diện nhiều địa phương khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu mà Chính phủ và Bộ TN&MT đề ra, song cũng kiến nghị: Cần quy định rõ cấp nào ra kết luận thanh tra cơ sở gây ô nhiễm thì cấp đó xử phạt. Quy định hiện nay là Tổng cục Môi trường hay Cục Cảnh sát môi trường kiểm tra, ra kết luận, sau đó chuyển cho chủ tịch UBND tỉnh, TP xử phạt. Cách làm này là bất hợp lý bởi khi cơ sở khiếu nại, tỉnh rất khó giải quyết. Nhiều cơ sở vi phạm lợi dụng điều này để chây ỳ trong việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý dứt điểm 24/25 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chỉ còn một cơ sở là Bệnh viện Đống Đa đang trong quá trình vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải. Trong số 24 cơ sở đã cơ bản xử lý khắc phục tình trạng ô nhiễm, có 23/24 cơ sở được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, một cơ sở đang hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận.

Tuấn Lương