Nâng cao chất vấn và trả lời chất vấn

Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 18/09/2012

(HNM) - Có những đại biểu cả nhiệm kỳ không một lần chất vấn, một phần do tâm lý nể nang, ngại va chạm, phần khác do năng lực, trình độ; nội dung trả lời chất vấn chưa cụ thể, chưa xác định trách nhiệm, nguyên nhân, chưa đi thẳng vào vấn đề và rõ thời hạn giải quyết nên gây bức xúc cho đại biểu và cử tri… là những đánh giá thẳng thắn được đưa ra tại hội thảo chuyên đề "Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp" do HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức.

Đại biểu HĐND chất vấn các thành viên UBND TP tại một kỳ họp. Ảnh: Linh Tâm

Người ngại va chạm, người "né tránh"

Đánh giá về hoạt động chất vấn trong thời gian qua, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt nhận định, hoạt động chất vấn trong các kỳ họp HĐND đã thể hiện được trách nhiệm của mỗi đại biểu. Qua chất vấn, nhiều vấn đề được làm rõ, được thúc đẩy và tạo ra hiệu ứng tốt với đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.

Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì Trần Văn Khương cho rằng, một trong những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn hiện nay là tâm lý nể nang, ngại va chạm, tư tưởng "cấp dưới, cấp trên" của một số đại biểu HĐND. Khi chất vấn, các đại biểu thường "né" những vấn đề nhạy cảm mặc dù đó là vấn đề bức xúc, nổi cộm cần làm rõ. Thậm chí, có đại biểu xem chất vấn như một nghĩa vụ, chỉ hỏi ở mức độ chung chung, chất vấn nửa vời. Do đó người trả lời chất vấn cũng chỉ đưa ra những hứa hẹn về các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành, đơn vị mình. Những giải pháp đó đôi khi không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả nhưng kỳ họp sau đại biểu cũng "cho qua" không nhắc lại nữa.

Không chỉ có tâm lý ngại va chạm, một nguyên nhân nữa khiến hoạt động chất vấn chưa thực sự hiệu quả theo đánh giá của nhiều đại biểu, đó là do chưa đeo bám đến cùng nội dung chất vấn. Theo Chủ tịch HĐND huyện Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn, để nâng cao kỹ năng chất vấn, trước hết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử, đòi hỏi các vị đại biểu HĐND phải am hiểu, có bản lĩnh, dám hỏi, dám "truy vấn" đến cùng, "đeo bám" nội dung chất vấn qua nhiều kỳ họp nếu chưa được giải quyết dứt điểm. Muốn vậy, trước khi chất vấn, người đại biểu phải có bằng chứng xác thực, tránh hỏi "cho biết" hoặc hỏi "cho có". Cần nắm bắt nguyện vọng của cử tri, khái quát vấn đề để bảo đảm cho việc chất vấn có căn cứ và thuyết phục. Sau trả lời chất vấn, những "lời hứa" phải thật sự được chú trọng và tăng cường giám sát chặt chẽ, chất vấn mới thực sự có hiệu quả.

Thiếu thực quyền

Để bàn thấu đáo vì sao hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa được như mong đợi, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau. Trước tiên là về các đại biểu dân cử. Như đã đề cập ở trên, hoạt động chất vấn có phần hạn chế do đại biểu còn tâm lý ngại va chạm và chưa "chất vấn tới tận cùng". Song nói đi thì cũng phải nói lại bởi chính các đại biểu HĐND hiện nay cũng đang thiếu một hành lang pháp lý trong hoạt động giám sát của mình khiến họ chưa thể "nói đi đôi với làm". Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay mới chỉ quy định trình tự, thủ tục trả lời chất vấn mà chưa đề cập tới chế tài cụ thể để bảo đảm người bị chất vấn nghiêm túc thực hiện những điều mình đã trả lời, đã hứa trước HĐND và bản thân đại biểu. Đây là một "lỗ hổng" của pháp luật khiến người trả lời chất vấn có thể chống chế, hứa hẹn mà không có trách nhiệm pháp lý nào để buộc họ thực hiện. Điều này dẫn tới thực trạng HĐND cứ hỏi, cứ giám sát thông qua hình thức trực tiếp hay văn bản song cơ quan chức năng vẫn cứ "y nguyên". Thiếu thực quyền, nên rất nhiều vấn đề được HĐND các cấp chất vấn đã bị "bỏ quên" hoặc triển khai rất chậm, như tiến độ xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập; các dự án giao thông, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, các công trình xây dựng trái phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… trong thời gian gần đây. Nhằm sớm khắc phục tình trạng trên, Hà Nội tha thiết kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Giám sát để có chế tài xử lý các cơ quan, tập thể, cá nhân không thực hiện nội dung chất vấn.

Chất vấn là một trong những hình thức thực hiện quyền giám sát của đại biểu HĐND, tại các kỳ họp, phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung quan trọng đối với từng đại biểu và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Được biết, từ kỳ họp tới, HĐND TP Hà Nội sẽ tăng thời gian chất vấn lên một ngày. Thường trực HĐND TP cũng khẳng định quyết tâm "hỏi đúng địa chỉ", chú trọng công tác "hậu" chất vấn, kiên trì đeo bám vấn đề đến cùng để các lời hứa của người trả lời chất vấn không thể "cuốn theo chiều gió".

Đà Đông