Không thể buông mãi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 18/09/2012

(HNM) - Hà Nội ngày càng mọc lên nhiều chung cư cao tầng (CCCT) và theo xu hướng hiện đại, CCCT ngày càng được nhiều người lựa chọn. Đối với Nhà nước, CCCT cũng có rất nhiều ưu điểm để trở thành hướng ưu tiên trong xây dựng và phát triển thành phố.

Nhưng khi CCCT phát triển, một vấn đề tưởng như đơn giản, có thể thỏa thuận dễ dàng giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ là phí chung cư lại trở thành những mâu thuẫn khó bề hòa giải. Do thiếu cơ sở pháp lý hoặc khung pháp lý còn khá đơn giản, chưa phù hợp với thực tế, phí CCCT mỗi nơi một khác, thường là quá cao, chủ căn hộ và đơn vị quản lý chung cư không thể thỏa thuận với nhau, nhiều khu CCCT đã xảy ra những phản ứng nhỏ nhưng khá căng thẳng liên quan đến phí chung cư, quyền sử dụng các diện tích cũng như thiết bị công cộng, như tại tòa nhà Keangnam, một CCCT cao và "hiện đại" nhất hiện nay của Hà Nội. Nhưng cũng chính tại chung cư này, giá dịch vụ vào loại cao nhất Hà Nội. Chẳng hạn, trong khi một số CCCT khác như Văn Quán (quận Hà Đông), phí trông giữ xe ô tô một tháng là 800.000 đồng thì ở Keangnam giá là 1,8 triệu đồng. Một số loại phí khác, Keangnam cũng áp mức trần dịch vụ và bớt đi rất nhiều khâu, lao động còn nếu không được thế, nhà đầu tư chung cư xin trả quyền quản lý lại cho… thành phố.

Trong khi nhà đầu tư có thái độ như vậy thì khách hàng của họ (những người đang ở CCCT) cũng bức xúc không kém. Khi mua chung cư, nhất là trong thời gian mua được chung cư là may mắn, người mua không mấy khi chú ý tới thời hạn nhận căn hộ và phí chung cư. Khi đến ở, họ mới té ngửa rằng những khoản phí đó rất lớn.

Theo quy định tại Thông tư 37 năm 2009 của Bộ Xây dựng, giá dịch vụ CCCT gồm chi phí trực tiếp (điện, nước, nguyên nhiên vật liệu…; nhân công điều hành; chi phí dịch vụ như bảo vệ, quét dọn, chăm sóc vườn hoa, diệt côn trùng…; chiếu sáng công cộng; phương tiện làm việc của bộ phận quản lý ngôi nhà), chi phí quản lý chung của doanh nghiệp quản lý, điều hành; chi phí cho ban quản trị, lợi nhuận, thuế giá trị gia tăng. Nếu quản lý theo giá trần được thành phố quy định là 4.000 đồng/m2/tháng, e không đủ chi phí cho chủ đầu tư, nhưng nếu thu cao như hiện nay, theo một chủ căn hộ nói, thà đi thuê nhà còn rẻ hơn.

Không thể cứ thả nổi, buông mãi phí dịch vụ CCCT vì nó đã trở thành vấn đề bức xúc trong cuộc sống của hàng vạn người, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân thành phố. Trong bối cảnh cung lớn hơn cầu hiện nay, phí CCCT quá cao còn gián tiếp tăng số lượng bất động sản tồn đọng. Để khắc phục tình trạng này, một mặt thành phố cần điều chỉnh để mặt bằng giá cả phí dịch vụ CCCT hợp lý hơn, mặt khác cần có những cơ chế đấu thầu, tổ chức các HTX dịch vụ CCCT để tạo môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Vũ Duy Thông