Để Châu Phi và Trung Đông trở thành thị trường gần: Còn nhiều việc phải làm

Bất động sản - Ngày đăng : 07:45, 17/09/2012

(HNM) - Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp giữa hơn 200 doanh nghiệp (DN) Việt Nam và một số đối tác đến từ Châu Phi vàTrung Đông...

Dệt may là mặt hàng đang tạo được uy tín với người tiêu dùng Châu Phi.


Đánh thức thị trường rộng lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, thời gian qua quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Châu Phi đã có bước tiến khá tích cực. Trao đổi thương mại hai chiều với các nước Châu Phi đã tăng từ 2,07 tỷ USD năm 2009, lên 4,77 tỷ USD năm 2011 và đạt 1,81 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2012. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Châu Phi chủ yếu gồm gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm điện - điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện phụ tùng, hóa chất… Các thị trường xuất khẩu quan trọng gồm: Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Angieri, Mozambique, Maroc… Hoạt động đầu tư giữa hai bên cũng bắt đầu được mở rộng, các DN Việt Nam đang triển khai dự án khai thác dầu khí ở Angieri; xúc tiến thăm dò dầu khí tại Tuynidi, Madagasca, Ai Cập, Sudan cũng như đã đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy; đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mozambique. Tính đến tháng 8-2012, các DN Việt Nam có 17 dự án đầu tư sang Châu Phi với tổng giá trị gần 1,2 tỷ USD.

Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Đông cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây; năm 2011 đạt 5,17 tỷ USD và 8 tháng đầu năm nay đạt gần 4 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Israel, Iraq với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại di động và linh kiện, sợi các loại, hàng hải sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải, sữa và sản phẩm sữa, hạt tiêu, sản phẩm dệt may, giày dép, gạo, cao su, chè, sản phẩm gỗ, sản phẩm sắt thép, chất dẻo… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, dầu DO, khí đốt hóa lỏng, kim loại thường, phân kali, phân urê, sản phẩm từ mỏ dầu khác, máy móc thiết bị phụ tùng, thức ăn gia súc và nguyên liệu, lưu huỳnh, vải hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày, linh kiện phụ tùng ô tô… Trong lĩnh vực dầu khí, hoạt động hợp tác đầu tư chủ yếu tập trung vào các đối tác như Kuwait, UAE, Arab Saudi và phần lớn các dự án tiến triển thuận lợi, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến nay, các DN Việt Nam đã có 4 dự án đầu tư sang Trung Đông với tổng giá trị 84 triệu USD.

Tăng tốc thâm nhập, khai thác thị trường

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, DN tiên phong đầu tư tại thị trường Châu Phi xác nhận, hiện nay nhiều DN Việt Nam đang hoạt động tại thị trường này nhưng trong tình trạng khá rời rạc, nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết, hỗ trợ nhau. Nhiều đơn vị thiếu thông tin về thị trường, thường tự "mò mẫm", khai phá nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Đặc biệt, tuy giao dịch có xu hướng nhộn nhịp hơn nhưng hầu như chưa được hỗ trợ từ phía ngân hàng nên kém hiệu quả, đôi khi mất cơ hội làm ăn. Vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực ngay tại nơi triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, chưa làm chủ tình huống, nhất là sự khác biệt về văn hóa. Trước thực trạng đó, không ít DN muốn thâm nhập hai thị trường nói trên nhưng chưa mạnh dạn đầu tư trực tiếp, thông qua những dự án "ra tấm ra món". Một số DN chưa chủ động hợp tác với nhau để cùng thực hiện hoạt động thương mại hoặc đầu tư.

Các chuyên gia nhận định, nhìn chung thị trường Châu Phi còn nhiều tiềm năng nhưng kết quả buôn bán còn khiêm tốn. Trong quá trình thâm nhập và duy trì chỗ đứng ở thị trường Châu Phi, mỗi DN cần lưu ý đến việc sử dụng kinh nghiệm, sự tư vấn của các chuyên gia đã từng công tác tại nhiều nước Châu Phi. Về cơ cấu hàng hóa, DN Việt Nam nên tập trung sản xuất những loại hàng có chất lượng vừa phải, hình thức đơn giản, mầu sắc phù hợp, kết hợp nhất là có mức giá phải chăng. Ngược lại, những mặt hàng cầu kỳ, đắt tiền sẽ có nguy cơ ế ẩm, lạc lõng tại thị trường này. Mỗi DN cần quan hệ chặt chẽ với những tổ chức, văn phòng đại diện thương mại - đầu tư của Việt Nam ở đây, tập trung vào một số quốc gia, có ảnh hưởng và sức lan tỏa ở các khu vực cụ thể, như Nam Phi, Ai Cập, Angola để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác, đại lý tiêu thụ.

Đối với thị trường Trung Đông, DN cần tìm hiểu kỹ về quy định pháp lý, luật pháp liên quan, nhất là cần có tư vấn thấu đáo về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng cũng như các yếu tố liên quan đến tôn giáo bởi tính khác biệt, phức tạp của cộng đồng các quốc gia bản địa. Nếu tận dụng được thời cơ, DN Việt Nam có thể kết hợp giao thương với việc du nhập dây chuyền sản xuất hiện đại, chuyển giao công nghệ để đi tắt đón đầu, nhất là trong quan hệ với đối tác Israel. DN cũng cần có biện pháp khả dĩ để thực hiện suôn sẻ các giao dịch tài chính, thanh toán qua ngân hàng, vấn đề tỷ giá…

Về phía Nhà nước, để kịp thời hỗ trợ DN trong giao dịch với đối tác thuộc Châu Phi và Trung Đông cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác trong một số lĩnh vực liên quan; tích cực triển khai kết quả của các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp và Ủy ban liên Chính phủ. Ngoài ra, các bộ hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ chủ động liên hệ với nhau và khẩn trương thực hiện nội dung thỏa thuận đã nhất trí trong các phiên họp song phương… Tất cả nhằm kéo hai thị trường xa nói trên về gần DN Việt.

Hồng Sơn