Cuộc giải cứu đầy tham vọng

Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 17/09/2012

(HNM) - Không biết vô tình hay hữu ý, cuối tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định thực hiện Chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) đúng vào thời điểm cuộc đua vào Nhà Trắng bước vào vòng gay cấn.


Tỷ lệ thất nghiệp luôn trên 8% kể từ khi lên nắm quyền gần 4 năm trước, tình trạng người không việc làm ở mức cao và kéo dài đang là điểm yếu lớn nhất của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. "Chúng tôi đang tìm kiếm sự cải thiện bền vững của thị trường việc làm", tuyên bố của Chủ tịch Ben Bernanke sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của FED cho thấy rõ mục tiêu của cơ quan tài chính quyền lực nhất nước Mỹ với gói kích thích kinh tế mới nhất.


Fed hy vọng QE3 sẽ thúc đẩy thị trường lao động Mỹ.

Không là những con số khô cứng, tỷ lệ thất nghiệp là thước đo quan trọng sức khỏe của một nền kinh tế và "tiết lộ" nhiều điều về các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế đó. Đặc biệt với Mỹ, quốc gia được xem là miền đất hứa của công ăn việc làm cho người dân thì việc số người thất nghiệp không giảm đã khiến Washington như ngồi trên đống lửa. Vì vậy, QE3 với quyết định sẽ mua vào 40 tỷ USD/tháng cho tới khi thị trường lao động được cải thiện bền vững càng cho thấy rõ quyết tâm của FED nhằm loại bỏ mối quan ngại này.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ sử dụng công cụ tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Sau cơn lốc Lehman Brothers đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính khủng khiếp nhất trên hành tinh suốt hơn 60 năm qua, vào cuối tháng 11-2008, FED đã nhanh chóng hành động khi bơm 1.700 tỷ USD (QE1) để mua trái phiếu kho bạc nhằm ngăn chặn một biến cố toàn cầu. Hai năm sau đó, tháng 8-2010, khi những tác động của "liều thuốc giải" đầu tiên bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, Chủ tịch B.Bernanke lại khởi động chương trình mua tài sản thứ hai với 600 tỷ USD trong kế hoạch hoán đổi trái phiếu đầy tham vọng. Vì thế, thị trường toàn cầu đã nức lòng với chiến dịch giải cứu tăng trưởng mới nhất của cường quốc số 1 thế giới. Điểm mấu chốt là, không giống hai lần trước, QE3 sẽ không bị ràng buộc bởi sự hữu hạn của tài chính cũng như thời gian. Cùng thực hiện với QE2, màn "song đấu" này sẽ đưa lượng trái phiếu dài hạn FED nắm giữ lên 85 tỷ USD/tháng. FED hoàn toàn tự tin khi tuyên bố cuộc chiến tổng lực sẽ không dừng lại cho đến khi lạm phát chạm mốc 3% hoặc tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 7%. Cùng với quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất siêu thấp, từ 0% đến 0,25%, đích cuối cùng mà chuyên gia về đại khủng hoảng năm 1930, B.Bernanke hướng đến là GDP của Mỹ sẽ đạt 3% trong năm tới và 3,8% vào năm 2014 thay vì 2,8% và 3,5% như dự báo.

Nhưng liệu cú "sốc tim" chưa từng thấy này có khiến nhịp đập kinh tế Mỹ mạnh trở lại khi số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới đã giảm xuống 1,7% trong quý II vừa qua bất chấp cả QE1 và QE2 đã được tung ra. Cho dù đã ba lần nới lỏng định lượng, song đến nay tại Mỹ vẫn tồn tại những ý kiến trái ngược về tác dụng của liệu pháp này. Số người phản đối, đặc biệt là từ phe Cộng hòa cho rằng "thả" quá nhiều tiền ra thị trường sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát và bong bóng tài chính trong khi nền kinh tế không được hưởng lợi nhiều. Một nghiên cứu mới nhất cho biết một chương trình mua trái phiếu trị giá 500 tỷ USD chỉ có thể giảm được 0,1% tỷ lệ thất nghiệp và tăng khoảng 0,2% GDP.

Nếu những gì được công bố là đúng thì dường như FED đã bước vào một thương vụ "vốn nhiều lãi ít". Nhưng trong bối cảnh hiện nay khi cường quốc số 1 hành tinh chưa thoát khỏi nguy cơ suy thoái rình rập thì cơ quan tiền tệ lớn nhất nước Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn. Sự hưng phấn của các thị trường khắp thế giới cho thấy động thái của FED có ý nghĩa thế nào. Giá dầu vọt lên mức cao nhất trong 4 tháng với các hợp đồng cuối tuần qua ở mức 99,06 USD/thùng; thị trường chứng khoán toàn cầu cũng bừng tỉnh với sắc xanh trải rộng. Như vậy cũng có nghĩa là "khẩu thần công" QE3 không chỉ hứa hẹn sự cất cánh trở lại của nước Mỹ mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng với hệ thống kinh tế thế giới. Trước hết, đó là cam kết chứa đựng quyết tâm và niềm tin con tàu Mỹ sẽ vào quỹ đạo hồi phục như mong đợi.

Vân Khanh