Thiếu kinh phí, chồng chéo quy hoạch

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 17/09/2012

(HNM) - Hà Nội là địa phương có lượng gia súc gia cầm lớn nhất miền Bắc, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chiếm 60%. Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn chưa được triển khai.

Xây dựng các khu chăn nuôi xa khu dân cư đang gặp không ít vướng mắc. Ảnh: Thái Hiền


Theo Sở NN&PTNT, hiện nay tổng đàn lợn của Hà Nội vào khoảng 1,52 triệu con nhưng mới có 722 trang trại (TT) chăn nuôi ngoài khu dân cư với 284.633 con, chiếm 18,7% tổng đàn lợn của thành phố. Đàn gia cầm có 17,9 triệu con của 151.152 hộ nhưng số hộ chăn nuôi TT ngoài khu dân cư mới có 1.153 hộ. Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nhiều dự án đã được thành phố phê duyệt nhưng đến nay không triển khai được. Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Văn Minh cho biết: Các dự án chăn nuôi đều đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn và chủ yếu trông chờ vào ngân sách. Mặc dù UBND TP đã ban hành chính sách dồn điền, đổi thửa để dành đất cho chăn nuôi tập trung, nhưng các hộ có đất lại không đủ khả năng tài chính, không có kinh nghiệm chăn nuôi, trong khi các hộ có vốn lại không có đất... nên nhiều dự án luẩn quẩn không triển khai được. Bên cạnh đó, một số huyện khi lập khảo sát dự án chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân nên nhiều khu chăn nuôi hoàn thành nhưng chỉ có vài hộ vào thực hiện đầu tư, gây lãng phí.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Dương Tôn Kiên, trên địa bàn huyện đang hình thành một số khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như Cấn Hữu, Thạch Thán, Phượng Cách… Hiện các TT chăn nuôi này đã phát huy hiệu quả, nhưng để mở rộng các khu chăn nuôi rất khó vì chồng quy hoạch với các dự án khác. Đơn cử như ở xã Cấn Hữu, hiện nay mới có 40 hộ vào đầu tư chăn nuôi trên khoảng gần 40/55ha, số diện tích còn lại không thể triển khai vì chồng vào quy hoạch dự án của Công ty Nam Cường và khu công nghệ cao nên phải dừng lại mặc dù nhiều hộ dân ở xã có nhu cầu. Khu chăn nuôi ở xã Thạch Thán cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Ở khu chăn nuôi xã Phượng Cách, mặc dù được quy hoạch 26ha nhưng hiện chỉ có vài hộ vào chăn nuôi bò sữa, diện tích còn lại không dồn điền, đổi thửa được vì nông dân có tâm lý giữ đất.

Không chỉ ở huyện Quốc Oai, các dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở huyện Thanh Oai cũng trong hoàn cảnh tương tự. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Ước (Thanh Oai) Nguyễn Đức Toàn, từ năm 2007 xã đã quy hoạch khu chăn nuôi với diện tích 15,5ha, dự kiến kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 35 tỷ đồng, hiện đã có 7 hộ vào chăn nuôi với diện tích 8ha. Nhưng đến nay toàn bộ khu chăn nuôi vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí của thành phố và huyện, đường vẫn là cấp phối, hệ thống điện do các hộ tự đấu nhờ trạm bơm La Khê, điện yếu và không ổn định gây khó khăn cho việc chăn nuôi của các hộ dân.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, chủ trương của thành phố là ủng hộ các dự án chăn nuôi tập trung nhưng khi lập dự án đề xuất kinh phí phải sát với thực tế và trên tinh thần xã hội hóa, trong đó thành phố chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng còn phần đầu tư tiếp theo là huyện, xã và nhân dân cùng làm. Khi lập dự án, các huyện cũng cần xem xét quy hoạch chung của thành phố để tránh chồng chéo. Theo ý kiến của huyện, các sở, ban, ngành của thành phố cần quan tâm tới các dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, đơn giản thủ tục hành chính, khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho các huyện để hỗ trợ kịp thời về cơ sở hạ tầng cho các khu chăn nuôi.

Ngọc Quỳnh