Luôn ám ảnh về số phận nhân vật
Văn hóa - Ngày đăng : 08:43, 16/09/2012
Nhà văn Lưu Sơn Minh tại Hội thảo "Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử". |
- Thưa anh, tại hội thảo văn học về đề tài lịch sử vừa rồi, có thể thấy anh là người có nhiều mối quan tâm về đề tài lịch sử. Điều gì đã thu hút một nhà văn còn trẻ (U40) như anh khai thác một vùng hiện thực vốn gây nhiều tranh cãi?
- Hồi mới viết về đề tài lịch sử, tôi cũng nghĩ là đề tài này “thu hút” mình, nhưng nay thì tôi bắt đầu cảm thấy rằng nghĩ thế là chưa đúng. Tôi đã bị một điều gì đó “run rủi” dẫn lối vào lựa chọn đó (nghe có vẻ siêu hình nhỉ?!). Tôi bắt đầu viết truyện lịch sử vì những băn khoăn đã trở thành ám ảnh về số phận thật sự của các nhân vật, ngay từ khi còn nhỏ.
Sáng tác luôn khó, không cứ gì đề tài lịch sử hay hiện đại. Đề tài lịch sử, ít người viết; hiện đại thì nhiều người viết hơn. Đề tài lịch sử, ít người đọc; đề tài hiện đại đương nhiên nhiều người đọc hơn, thích hơn. Nhưng đâu có sao! Ít người đọc, tôi không sợ. Ít người viết, tôi lại càng không sợ... Tôi chỉ có day dứt là làm sao đừng làm sai lệch nhân vật lịch sử mỗi khi đối diện với họ trên trang viết.
- Anh viết cuốn tiểu thuyết về Trần Quốc Toản (NXB Kim Đồng) từ khi còn trẻ, trong khi đó nhân vật này đã hiện diện vững vàng trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ trước đó. Điều gì tạo nên lòng tin vào tác phẩm của mình?
|
- Tôi hết sức kính trọng tài văn chương và các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng tôi không thích cách ông thể hiện Trần Quốc Toản như một chú thiếu niên chỉ đơn thuần có chí khí. Căn cứ vào những gì mà tôi đọc được, tìm hiểu được và cả từ suy luận cá nhân, Trần Quốc Toản còn những góc nhìn mới. Ông là một dũng tướng với vinh dự được tham gia cả ba trận đánh lớn của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết. Sự hy sinh của Trần Quốc Toản trong trận đánh cuối cùng bên bờ Như Nguyệt có một giá trị quan trọng trong toàn bộ diễn biến thế cục chiến trường của cuộc kháng chiến thứ hai và cả cuộc kháng chiến thứ ba. Tôi đã mất 6 năm cho cuốn sách và phần cuối sách cũng phải nhờ nhà văn Hà Ân thúc giục liên tục thì mới viết xong.
- Nhà văn Hà Ân sinh thời từng dành cho anh rất nhiều ưu ái. Điều đó có ý nghĩa đối với nghiệp cầm bút của anh như thế nào?
- Nhà văn Hà Ân là một người thầy về nghề và nghiệp viết truyện lịch sử đối với tôi. Và có lẽ niềm tự hào lớn nhất của tôi là được ông dành cho “quyền” được nối dài các nhân vật mà ông hư cấu sang tác phẩm của tôi. Cũng có người khuyên tôi không nên làm thế, vì như vậy cả tác phẩm và con đường của tôi sẽ có thể bị coi như là sự nối tiếp và không tồn tại độc lập được. Về mặt nội dung, các nhân vật của Hà Ân đã thực sự hiện hữu trong tâm trí của tôi từ khi còn bé, tới mức thân thuộc. Về mặt ý nghĩa, tôi coi sự nối tiếp đó là vinh dự, chẳng cần quan tâm tới vấn đề “tồn tại độc lập hay không”. Tôi chỉ muốn những gì tôi viết sẽ liên kết với tác phẩm của nhà văn Hà Ân, để những nhân vật, cả lịch sử và cả hư cấu, cứ thế tiếp tục đến với độc giả. Đó là mơ ước và mục tiêu của tôi.
- Ở tuổi ngoài 20 mới chập chững vào nghề viết và bây giờ là gần 40, theo anh, ngoài sự nỗ lực đương nhiên của bản thân thì người viết trẻ cần gì nhất từ phía NXB, những nhà văn đi trước?
- Tôi nghĩ người viết trẻ đương nhiên cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía NXB và các nhà văn đi trước. Các nhà văn đi trước hãy viết những tác phẩm hay để thế hệ sau học tập, chịu sức ép mà viết. Các NXB hãy tìm những tác phẩm hay trong nước và thế giới để in cho người viết trẻ đọc và mở mang thêm trên con đường cầm bút có đầu mà không cuối... Thế thôi! Tôi sẽ không nói về chuyện “con mắt xanh” mà NXB hoặc nhà văn đi trước dành cho người viết trẻ đâu!
- Vì sao anh lại không muốn đề cập tới yếu tố quan trọng này?
- Nó là một yếu tố khách quan, mà đã là khách quan thì không nên đòi hỏi. Trước hết hãy nỗ lực hết mình đã. Nếu ta chưa được động viên, khuyến khích, được quan tâm chú ý thì cũng đừng vội oán trách ai cả, bởi nếu nặng nề với điều này quá thì sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.
- Hình như anh đang viết một cuốn tiểu thuyết mới? Xin anh vui lòng chia sẻ với bạn đọc đôi nét quanh tác phẩm này.
- Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết về Trần Khánh Dư, có thể coi là phần tiếp nối của cuốn “Trần Quốc Toản”. Như thông lệ viết chậm một cách đáng ngán của tôi, chắc ít nhất phải vài năm nữa cuốn sách mới xong được. Cho nên tôi cũng chưa dám ba hoa trước một điều gì về việc mình mới đang làm dở dang. Đành xin khất lại một dịp khác vậy.
- Xin chân thành cảm ơn anh, và chúc anh tiếp tục gắn bó với đề tài lịch sử!