Khắc khoải làng nghề Phú Bình
Xã hội - Ngày đăng : 08:25, 16/09/2012
Gia đình chị Lan ba thế hệ còn làm đèn.
Có gốc từ Nam Định, tính đến nay làng nghề lồng đèn Phú Bình tại phường 5 quận 11, TP Hồ Chí Minh đã tồn tại hơn 50 năm. Hơn 50 năm tưởng sẽ hưng thịnh lắm, ngờ đâu… Mùa Trung thu này, một cảnh tượng buồn là ngay đầu con hẻm dẫn vào làng đã thấy người Phú Bình bày bán tràn ngập các loại đèn điện tử tân thời. Anh Quang, chủ nhân cửa hàng bán đèn lồng điện tử giãi bày: "Không ai muốn làng nghề mai một đâu cô ạ, nhưng bây giờ làm ăn khó khăn. Khách đến đây lấy lồng đèn thủ công của chúng tôi một phần, ba phần còn lại mua lồng đèn điện tử nhập từ Trung Quốc, buộc lòng các tiểu thương trong làng phải nhập lồng đèn điện tử để bán, âu là lấy kế sinh nhai!". Theo các tiểu thương, vài năm trở lại đây, được nhập vào Việt Nam, đèn lồng điện tử đủ kích thước, vừa phát ra tiếng nhạc rộn ràng lại có thêm đủ loại ánh sáng xanh, đỏ, tím, vàng khiến trẻ em mê mẩn. Giá cả của những loại đèn này từ 20.000-100.000 đồng mỗi chiếc, dùng xong có thể cất đến mùa trăng năm sau chơi tiếp nên các bậc cha mẹ vẫn ưu tiên chọn mua. Đó chính là nguyên nhân người làng Phú Bình không còn hăm hở, cặm cụi chẻ tre, gấp giấy, vẽ hình lên những chiếc đèn lồng để kịp cho trẻ chơi mùa Trung thu.
Chúng tôi vào nhà chị Liên (49 tuổi, quê gốc Nam Định), người đã hơn 30 mùa trăng gắn bó với những chiếc đèn Trung thu nhưng buộc phải chuyển sang bán cà phê giải khát vào năm 2011. Chị Liên bùi ngùi: "Trước đây, nền nhà trải đầy nan tre, giấy kính làm đèn. Nay tôi chỉ còn giữ lại ít giấy kính, nan tre, lồng đèn và xếp gọn lên gác để… rảnh rỗi lôi ra làm cho đỡ nhớ nghề!".
Ở làng, chỉ có gia đình chị Lan (47 tuổi) gần như là gia đình duy nhất có ba thế hệ trong nhà còn bám nghề. Ngôi nhà chỉ rộng chừng 60m2 đâu đâu cũng treo đèn. Người chồng bấm kẽm, làm khung đèn, cô con gái thoăn thoắt vẽ những nét cong lượn tạo thành hình con bướm, con cá. Còn ông bố chồng năm nay gần 80 tuổi vẫn tinh mắt, tỉ mẩn xâu dây đèn và buộc chúng lại thành những cụm lớn để khách mua mang đi. "Trung bình cả gia đình làm quần quật từ 7 giờ sáng đến 11h đêm được 100 chiếc đèn! Ngày xưa, cây tre để làm khung đèn có người trong làng mua cả xe tải về bán. Bây giờ người làng nghỉ làm nghề nên chúng tôi phải tự đi xe máy lên tận Bình Phước để mua, cưa tre thành khúc ngắn chở về, cực lắm mà lại tốn kém nên lời lãi không còn được bao nhiêu!". Chị Lan buồn buồn!
Làm đèn vất vả, nhưng chỉ đợi đến mùa Trung thu mới có thu nhập nên ngoài việc bán đèn điện tử, người dân Phú Bình còn bỏ nghề đi buôn bán, làm công nhân để sinh sống. Tất cả những điều đó khiến hình ảnh tấp nập của làng Phú Bình nửa thế kỷ trước với gần 100 hộ dân sản xuất kinh doanh, nay chỉ còn trong ký ức người già. Mùa Trung thu này, làng chỉ còn sót lại 7 hộ cố giữ lấy nghề. Lồng đèn truyền thống từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt trong dịp Trung thu. Sự thay đổi về thị hiếu làm mai một nghề này, cũng tức là đang mất dần đi một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.