Có một xóm người Mỹ Đức

Xã hội - Ngày đăng : 08:22, 16/09/2012

(HNM) - Không biết từ khi nào, 100 cặp vợ chồng đều xuất thân từ huyện Mỹ Đức đã vào TP Hồ Chí Minh và cùng tụ lại ở cuối con hẻm 249 đường Tân Kỳ Tân Quý (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) để hình thành nên xóm ngô luộc rất đặc trưng…


Người xóm ngô luộc rong ruổi mưu sinh ở Sài thành.

Chuyện ở xóm ngô luộc

Bắt đầu từ 4h sáng, anh Nguyễn Văn Bình đã phải dậy vớt bắp, rồi lặn lội hơn 10 cây số lên đến đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), để kịp bán những bắp ngô nếp thơm dẻo cho các em sinh viên gần đó. Đến 12h trưa, khi cái nắng như đổ lửa anh mới quay xe về dãy trọ, lùa vội vài miếng cơm rồi tranh thủ chất củi vào khu bếp để nấu nồi ngô luộc hơn 100 bắp cho buổi bán chiều. Thường buổi bán chiều ít khách nên có hôm phải bán tới 19-20h mới hết hàng, về đến nhà trọ, Bình đã phải quăng chiếc xe cúp 50 cũ rách bên hiên nhà, trệu trạo miếng cơm miếng nước rồi tất tả dọn dẹp khu bếp để 22h còn ra tít ngoại thành TP, ở tận huyện Củ Chi, Hóc Môn kịp lấy ngô vừa mới hái cho buổi bán hàng sáng hôm sau. "Cả năm, cuộc sống của chúng tôi cứ quay như chong chóng. Tính ra một ngày tôi chỉ được ngủ khoảng 4 tiếng, có hôm đắt hàng chỉ được hơn 2 tiếng. Mệt chứ, nhưng phải mưu sinh thôi!". Anh Bình tâm sự.

Ở một góc khác bên cạnh khu nấu ngô của anh Bình, có tiếng người phụ nữ lanh lảnh: "Mình ơi, gánh cho tôi vài thùng nước máy ra đây nhé. Nồi ngô vừa luộc xong, tôi đã gắp ra hết rồi!". Đó là chị Phạm Thị Hoài đang giục chồng để chị còn tranh thủ đi bán. Anh chồng Dương Văn Ủy thoắt chạy đi rồi trở về với 2 thùng nước đầy tràn, vừa đổ vào nồi luộc ngô to tướng, vừa hổn hển: "Chiều nay trời u ám quá, nếu mưa chắc lại ế hàng như mấy hôm trước thì chết!". Xong khoản nước non, anh Ủy lại hỳ hục dọn dẹp khu vực bếp để chuẩn bị luộc những bắp ngô xanh non cho buổi bán hàng sáng mai. Còn chị vợ đẩy chiếc xe đạp cà tàng chất những bắp ngô còn thơm mùi đồng nội ra đường bán bưng…

Cũng như anh Bình và gần 100 cặp vợ chồng nơi đây, hai vợ chồng chị Phạm Thị Hoài từ xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp đã 8 năm. Cứ tầm 15h đến 16h chiều, hai vợ chồng lại chia làm hai ngả bán hàng. Anh đứng ở chợ Bà Hoa, chị ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), đến chiều tối mới về. Gặp những lúc trời mưa lớn hay ế hàng có thể đến khuya mới bán xong hàng và cũng có lúc hơn 100 bắp ngô đành phải đưa về một nửa. Để việc mua bán được thuận lợi, cư dân xóm bắp tự phân chia địa điểm, tuyến đường cho từng người. Vài năm nay cả xóm tính ra tới hơn 70 nồi luân phiên đỏ lửa từ đêm tới sáng, từ trưa tới chiều vì ai cũng phải cố bán thêm buổi, thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống. Buổi làm việc cứ dài thêm, giấc ngủ cứ dần ngắn lại. "Nghề này, phải làm sao duy trì được ngọn lửa luôn đỏ rực thì nồi ngô mới chín và ngon. Mà khi ngô chín rồi còn phải ủ trong nồi vài tiếng đồng hồ, phủ lá xanh bên trên và bỏ muối, trung bình 100 bắp ngô bỏ vào 1/2 chén muối thì nồi ngô mới đậm đà!" - Anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ bí quyết luộc ngô mang từ tít Hà Nội vào đây!

Tình người nơi phương xa


Anh Nguyễn Văn Bình đang vớt ngô.

"Có những ngày đắt hàng, phải luộc tới 2 nồi, sáng bán, chiều bán, tối lại đi hàng chục cây số để mua ngô, mình mệt quá ngủ quên luôn. May mà anh chị em trong xóm biết mình đã đuối sức nên đã canh dùm nồi ngô, nếu không thì…". Anh Hoàng Văn Hiên (32 tuổi) xúc động kể với chúng tôi về tình làng nghĩa xóm của những con người nơi đây. Anh Hiên đã xa vợ con 5 năm nhưng những lần về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng phải cắn răng mà vượt qua nỗi khắc khoải nhớ quê hương, bởi nhà anh chỉ có 2 sào ruộng nên ba đứa con và vợ đang ở nhờ nhà ông bà nội hiện rất vất vả.

Trong căn nhà trọ chừng 14m2, chị Hoài rưng rưng nước mắt kể, ngày vợ chồng chị rời xa quê, đứa con lớn nhất mới học hết lớp 4, đứa thứ hai mới 6 tuổi và đứa con út còn phải cõng trên lưng. Hai vợ chồng đã bán hết tài sản để làm lộ phí rồi viết thư gửi gắm con cái lại cho ông bà nội để lên đường thay đổi cuộc sống. "Xa quê là vậy nhưng đổi lại vợ chồng lại được sống trong niềm thương yêu, đùm bọc, tối lửa tắt đèn có nhau của xóm trọ nhỏ này. Nhiều lúc chồng đi xa, tôi ở nhà trái gió trở trời anh chị em xóm trọ quây quần lại thay nhau chăm sóc khi khỏi bệnh mới thôi", chị Hoài kể. Thấm thoát đã 8 năm trôi qua, cũng nhờ những nồi ngô của hai vợ chồng, bây giờ, hai cô con gái lớn của chị đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định, con trai út vừa mới ra trường, đang chờ để đi học tiếp… Không biết nơi quê nhà, những đứa con của 100 cặp vợ chồng ở xóm ngô luộc có hiểu thấu nỗi lòng cha mẹ?

Hà Tuấn