Nở rộ sáng kiến… độc đáo
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 16/09/2012
Nghe chừng giữa các ngành đang diễn ra một cuộc tranh đua "giải pháp độc đáo" nhằm giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Có những sáng kiến mới nghe tưởng chuyện "cá tháng Tư" như kiểu xe lưu thông theo ngày chẵn lẻ hay xây nhà để xe ở vườn hoa Quốc Tử Giám; có thứ gây sốc cho cả xã hội như đề xuất thu thuế lưu hành phương tiện cá nhân; rất thiếu cơ sở khoa học như chứng minh thư mới phải ghi tên bố mẹ, hay giật mình như sáng kiến túc - túc vừa rồi… Tuy khác nhau về quy mô và phạm vi ảnh hưởng, tất cả những "giải pháp - sáng kiến" ấy, dù xuất phát từ các bộ, các ngành nhưng đều có một điểm chung là chủ quan, không phù hợp với thực tế và cái chính là thiếu cơ sở (cuộc sống cũng như khoa học) nên không thể thực hiện được; nếu cứ áp đặt thì tình hình không những không giải quyết được mà càng rối tung hơn!
Đó là những giải pháp trốn tránh thực tế.
Túc-túc bắt nguồn từ Ấn Độ, nơi giao thông hỗn loạn không hề kém ta và một trong những nguyên nhân là hoạt động của xe túc-túc. Một trong những thành công lớn của Ấn Độ là giải pháp thay thế túc-túc, xe máy bằng ô tô giá rẻ tự sản xuất, chỉ bằng giá 3 chiếc xe máy trung bình và rất phù hợp với điều kiện thực tế, mức sống của người dân. Từ Ấn Độ, túc-túc tràn ngập các nước Đông Nam Á và giờ đang trở thành tai họa giao thông, trừ Malaysia đã loại trừ được nhờ ô tô tự sản xuất. Thực tế túc-túc là một kiểu xe lam, không còn phù hợp trong thời kỳ hiện đại hóa, và đã bị cấm ở nước ta. Vậy mà có người nghĩ ra được chuyện nhập khẩu loại phương tiện này? Sao người ta không lo nâng cao chất lượng cầu đường; nghiên cứu, điều chỉnh lại luật giao thông quá cứng nhắc và lạc hậu, hệ thống biển báo, chỉ đường cho phù hợp với thực tại hơn?
Nhà nước chủ trương giúp nông dân vay vốn mua máy nông cụ hiện đại để cơ giới hóa, nhưng lại chỉ đạo ngân hàng chỉ cho vay nếu chứng minh được loại máy cần mua được "nội địa hóa" không dưới 80%. Nghe thì khuyến khích người mình dùng hàng mình nhưng có thực tế không? Máy nông cụ của ta chủ yếu nhập, trừ một số do các Hai Lúa tự chế, vậy lấy đâu ra tỷ lệ nội địa hóa trên trời ấy? Chẳng lẽ ngân hàng không biết mỗi tháng chúng ta phải bỏ hơn 11 triệu USD (220 tỷ đồng) chỉ để nhập hành, tỏi khô, khoai tây, cà rốt, bắp cải… chất lượng khó kiểm định từ Trung Quốc vì năng suất sản phẩm đó của ta quá thấp?
Đã từ lâu trong sản xuất chúng ta có phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và mang lại nhiều hiệu quả kinh tế. Giờ đây dường như phong trào đó trong sản xuất hàng hóa đang lắng xuống, còn các cơ quan quản lý, các ngành lại đang nở rộ những đề xuất giải pháp… độc đáo. Tiếc là phần lớn đều chẳng đâu vào đâu, thậm chí còn có hại. Liệu có thể thông qua một kiểu chế tài nào đó thật nặng áp dụng cho những sáng kiến loại này cho dân được nhờ?