Tránh lãng phí thêm một lần nữa

Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 15/09/2012

(HNM) - Ngày 14-9, Đoàn giám sát của Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội (Ủy ban) do Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến làm Trưởng đoàn cùng đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Thanh tra Bộ VH,TT&DL, Cục Di sản văn hóa và cơ quan liên quan đã có cuộc giám sát tại di tích quốc gia chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ), đồng thời làm việc với các cơ quan quản lý di tích trên địa bàn để làm rõ hơn vụ việc sai phạm tại chùa Trăm Gian.

Nên xem xét, cân nhắc giữ lại các phần đảm bảo tính thẩm mỹ, khoa học để tránh lãng phí. Ảnh: Doãn Hoàng

Tại buổi giám sát, cơ quan chức năng đã khảo sát hiện trường, nghe cơ quan quản lý di tích địa phương báo cáo quá trình hạ giải, làm mới các hạng mục nhà tổ, gác khánh tại chùa Trăm Gian. Những thông tin được đưa ra, bao gồm cả việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan, không có gì mới so với thông tin mà Hànộimới đã phản ánh. Điều quan trọng hiện nay, được dư luận quan tâm là giải pháp khắc phục tổn hại như thế nào.

Sau khi Đoàn giám sát tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các hạng mục bị phá đi xây mới tại chùa, phóng viên Hànộimới đã phỏng vấn nhanh ông Lê Như Tiến về quan điểm phục hồi các hạng mục đã bị hạ giải sai quy định ở chùa Trăm Gian cũng như công tác tu bổ, tôn tạo di tích nói chung.

- Ông đánh giá thế nào về sự sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian?


Chủ đề liên quan


» Sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian


- Qua khảo sát trực tiếp, tôi thấy không phải toàn bộ chùa Trăm Gian bị phá như một số thông tin đã đưa, mà là nhà tổ, gác khánh và thềm đá bị phá đi, xây mới khi chưa được sự đồng ý cuối cùng bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý di tích đã thấy rõ cái sai, nhận rõ trách nhiệm và nghiêm túc, khẩn trương giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm bây giờ là giải pháp phục hồi các hạng mục đó. Tôi hy vọng Bộ VH,TT&DL mà trực tiếp là Cục Di sản văn hóa, UBND TP Hà Nội, Sở VH,TT&DL Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ vào cuộc một cách quyết liệt, sâu sát hơn nữa.

- Trong buổi làm việc, ông nhiều lần lưu ý các cơ quan chức năng khi phục hồi các hạng mục tại chùa Trăm Gian phải hết sức cân nhắc, tránh lãng phí thêm một lần nữa?

- Kinh phí xây dựng các công trình mới tại di tích chùa Trăm Gian dù là nguồn vốn xã hội hóa hay ngân sách nhà nước thì cũng là nguồn lực xã hội, vì thế tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các nhà chuyên môn vào cuộc để thẩm định, tìm phương án khả thi. Chúng ta không nên vội vàng đưa ra quyết định khi chưa nghiên cứu kỹ bởi nếu quyết định sai một lần nữa sẽ rất lãng phí, hao tốn vật chất và tinh thần của xã hội.

Điều dư luận quan tâm bây giờ là giải pháp phục hồi các hạng mục. Ảnh: Doãn Hoàng

- Vấn đề xã hội hóa công tác bảo tồn di sản có nhiều thành công nhưng cũng gây hệ lụy nhất định, mà trường hợp chùa Trăm Gian là ví dụ điển hình. Để giảm thiểu tác động xấu tương tự thì cần phải làm gì, thưa ông?

- Nhà nước có chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa đối với nhiều lĩnh vực và việc huy động nguồn lực này đang được thực hiện khá tốt, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Chúng ta không thể phủ nhận nguồn lực xã hội hóa, nhưng theo tôi, việc sử dụng nguồn lực ấy cần đi đôi với tăng cường công tác quản lý nhà nước ở các cấp. Với công tác tu bổ, tôn tạo di tích, tôi cho rằng ở nơi nào mà người dân và ban quản lý di tích có đủ nguồn lực để trùng tu thì các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn họ về mặt kỹ thuật, quy trình, thủ tục để di tích được trùng tu theo đúng Luật Di sản.

Khi làm việc với Bộ VH,TT&DL, tôi đã đề nghị Bộ tổng rà soát lại toàn bộ hệ thống di tích trong toàn quốc, qua đó phân loại sự xuống cấp của di tích để có thứ tự ưu tiên đầu tư. Nếu chúng ta không tổng rà soát, hoặc làm chưa tốt việc này thì chất lượng công tác bảo tồn di sản không được như mục tiêu đề ra, nghĩa là có những di tích xuống cấp nghiêm trọng - như mấy hạng mục của chùa Trăm Gian mà ta đã biết, cần phải đầu tư gấp thì lại chưa được đầu tư, những di tích chưa cần thiết thì lại được đầu tư trước. Giống như đầu tư trong xây dựng cơ bản, đầu tư chống xuống cấp di tích phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

- Đồng ý là phải phân loại di tích để ưu tiên đầu tư, nhưng trên thực tế thì quy trình xét duyệt hồ sơ và cấp vốn trùng tu di tích đòi hỏi nhiều thời gian, trong khi di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể “đợi”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Thực ra, quy trình xét duyệt hồ sơ xin cấp vốn trùng tu di tích đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chỉ có điều khi thực thi, mỗi người, mỗi cấp chậm một chút là thành chậm trễ kéo dài. Bởi thế, những người thừa hành nhiệm vụ cũng cần khẩn trương, tích cực hơn để quy trình xét duyệt hồ sơ và cấp vốn trùng tu di tích bảo đảm đúng thời gian. Đó cũng là một trong những nội dung, yêu cầu của công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Làm được những điều này, tôi tin rằng các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Di sản văn hóa sẽ giảm đi.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hạng mục nhà tổ, gác khánh tại chùa Trăm Gian không chỉ sai phạm về quy trình, thủ tục tu bổ, tôn tạo di tích mà còn sai sót về kỹ thuật trùng tu, cần phải khắc phục. Tuy nhiên, các cấu kiện của nhà tổ đã hạ giải hầu hết bị mục ruỗng, khó có thể tái sử dụng. Các hạng mục hạ giải của gác khánh còn tương đối tốt, có thể tận dụng để phục dựng lại. "Công trình phải xuống cấp nghiêm trọng đến mức nào thì chúng ta mới tiến hành hạ giải để trùng tu. Bởi vậy, với công trình kiến trúc gỗ, khi đã hạ giải thì không thể tái sử dụng 100% cấu kiện cũ. Theo tôi, hiện nay, cấu kiện nào của hạng mục nhà tổ, gác khánh cũ có thể tái sử dụng thì chúng ta nên tái sử dụng tối đa, cái gì không còn sử dụng được thì buộc phải loại bỏ. Các công trình mới đã dựng lên, phần nào bảo đảm tính thẩm mỹ, khoa học kỹ thuật thì chúng ta nên xem xét, kiến nghị để giữ lại, tránh lãng phí ngân sách nhà nước" - ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL).


Chủ đề liên quan
»Sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian


Minh Ngọc