Ai cũng được học hành…

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 15/09/2012

(HNM) - Năm học mới đã qua được nửa tháng nhưng câu chuyện "nóng" về các khoản thu đầu năm vẫn còn chưa nguội. Học phí, các khoản chi cho sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, học thêm... dịp đầu năm dường như đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình nghèo, và vô hình trung, với không ít trường hợp, đã làm ảnh hưởng đến quyền được học hành của học sinh…

Mấy ngày nay, dư luận lại bàn rất nhiều về kiến nghị của các phụ huynh có con học tại một trường THPT ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, do nhà trường đặt ra quá nhiều khoản thu bất hợp lý, trái quy định, đặc biệt là thu quá cao, đẩy nhiều gia đình nghèo vào tình thế khó khăn, không đóng không được, mà đóng thì chẳng biết lấy đâu ra tiền? Có phụ huynh nặng lời tố cáo: Hiệu trưởng hằng ngày chỉ nghĩ ra cách thu tiền sao cho được nhiều mà quên đi sự nghèo đói của người nông dân hằng ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để đổi lấy cái ăn, cái học cho con cái. Không chịu được "nhiệt" có gia đình phải cho con nghỉ học!

Một vụ việc khác cũng đang gây bức xúc dư luận là tố cáo của một số phụ huynh ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa rằng con em họ đang học tại một trường THPT bị "ép" đi học hè, em nào không đi không được lên lớp. Hiện tại, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa đã quyết định tạm đình chỉ công tác của hiệu trưởng trường này để xác minh, làm rõ đúng sai.

Điểm chung của hai vụ việc này là: Vì các khoản tiền trường bất hợp lý hoặc quá cao mà học sinh phải nghỉ học hoặc không được đi học. Sự thật thế nào còn đang chờ các cơ quan chức năng thanh tra, song nó lại làm dấy lên những bức xúc về các khoản thu đầu năm học vốn tồn tại từ lâu mà chưa có giải pháp xử lý triệt để. Xã hội thì tự nhủ như chuyện "biết rồi nói mãi", một số không nhỏ các nhà quản lý giáo dục thì chỉ vì lợi ích kinh tế mà "mũ ni che tai", mọi gánh nặng dồn lên vai các phụ huynh nghèo và thiệt thòi nhiều nhất chính là học sinh.

Thực tế những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đầu tư cho giáo dục, đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm gánh nặng chi phí của xã hội, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho trẻ em được đến trường. Ở nhiều địa phương, điển hình như Hà Nội, đã có chính sách học phí rất thấp. Nhưng điều đáng tiếc là để đến được trường học, có được kiến thức thì học phí chỉ là một phần chi phí rất nhỏ, trong khi những khoản thu ngoài học phí lại quá cao. Ở những nước giàu, người ta có thể miễn học phí, với nước ta còn nghèo, việc đi học phải đóng góp hỗ trợ thêm cho ngành giáo dục là điều cần thiết, nhưng nếu để việc đóng góp trở thành cản trở chính trên con đường các em tiếp cận tri thức thì không thể chấp nhận được. Về mặt xã hội, việc này còn tác động tiêu cực đến các chính sách giảm nghèo, làm ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của con người. Lấy ví dụ, ở vùng sâu, vùng xa, những gia đình nghèo không đủ tiền cho con cái đi học, họ buộc phải lựa chọn đứa học đứa nghỉ, mà đa số trong đó sẽ chọn cái chữ cho con trai và như vậy đương nhiên các bé gái đã bị tước mất quyền bình đẳng, quyền được học hành. Những đứa trẻ nhà nghèo chỉ mong muốn được học lấy cái chữ để có thể thoát khỏi sự nghèo khó thì lại bị lấy mất cơ hội.

Lúc sinh thời Bác Hồ luôn mong muốn "ai cũng được học hành". Thiết nghĩ, những người làm công tác giáo dục, trước khi đặt ra một khoản thu nên tự đặt mình vào hoàn cảnh của người dân phải hằng ngày bươn chải kiếm từng đồng, chắt bóp lo cái sự học cho con cái. Người Việt vốn có tinh thần hiếu học, sẵn sàng hy sinh để đầu tư cho con cái, song cũng đừng ép họ thái quá. Người giàu có thể đóng các khoản thu cao, nhưng với người nghèo là điều không thể, làm như vậy tức là đã đẩy họ vào thế bí, vô tình tước đi quyền được học tập của trẻ em và như vậy là cản trở sự phát triển của xã hội và tương lai của đất nước…

Nữ Quỳnh