Bản án để ngỏ

Thế giới - Ngày đăng : 07:35, 14/09/2012

(HNM) - Một ngày sau khi bị tòa án Baghdad tuyên án tử hình vắng mặt (9-9) với tội danh chủ mưu giết hại những chính trị gia đối lập, Phó Tổng thống Iraq Tariq Al-Hashemi đã phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định vụ án là một âm mưu chính trị nhằm vào ông.

Từ thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông và gia đình đã sống lưu vong kể từ khi bị luận tội hồi tháng 12 năm ngoái, chính trị gia người Sunni khẳng định mình vô tội và sẽ không trở về cho đến khi bảo đảm sẽ nhận được sự xét xử công bằng ở Iraq. Cùng bị kết án với Hashemi là người con rể Ahmed Qatan. Cả hai đều bị buộc tội tổ chức các vụ sát hại một quan chức an ninh người Shiite, một luật sư đã từ chối giúp các đồng minh của phó tổng thống trong các vụ liên quan đến hành động khủng bố. Vụ án mạng thứ ba là một quan chức an ninh nữa nhưng không thể dùng để luận tội vì thiếu bằng chứng.

Đây là bản án đầu tiên dành cho Hashemi sau khi Chính phủ Iraq cáo buộc ông này đóng vai trò chủ chốt trong khoảng 150 vụ đánh bom, ám sát và các hành động tấn công khác tại Iraq trong thời gian từ năm 2005 đến 2011, thời điểm này đất nước Iraq chìm trong các vụ bạo lực tôn giáo thời hậu Saddam Hussein. Nhà chức trách Iraq khẳng định những hành động khủng bố đều do cận vệ và thân tín của ông Hashemi thực hiện. Vào tháng 12 năm ngoái, 13 cận vệ của phó tổng thống người Sunni đã bị bắt để thẩm vấn. Họ cũng đã xuất hiện trước tòa án để xác nhận rằng đã được trả tiền để thực hiện những vụ bạo lực, ám sát nhằm vào các quan chức và tín đồ Hồi giáo dòng Shiite theo chỉ đạo của ông Hashemi và con rể Ahmed Qatan. Mặc dù vậy, chính trị gia có ảnh hưởng tại Iraq này bác bỏ mọi thông tin và cho rằng, những cận vệ đó đã bị tra tấn để cho lời khai giả.

Vụ việc của Hashemi có thể sẽ đẩy Iraq đến gần hơn cuộc chiến tôn giáo khi những chia rẽ quanh người Hồi giáo Sunni và Shiite vốn đã rất căng thẳng tại quốc gia vùng Vịnh. Sinh năm 1942 tại Baghdad, Hashemi tốt nghiệp Học viện Quân sự tại Iraq năm 1962 trước khi lấy bằng cử nhân và Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Al-Mustasiriya. Tuy nhiên, nhân vật này đã rời quân đội năm 33 tuổi và trở thành một thành viên tích cực của đảng Hồi giáo Iraq (IIP) - chính đảng lớn nhất của cộng đồng Sunni tại Quốc hội Iraq sau cuộc bầu cử năm 2005. Năm 2006, ông được bổ nhiệm là phó tổng thống và tham gia thành lập một liên minh nhiều đảng phái để thay thế chính phủ của Thủ tướng Nouri Al-Maliki. Đến tháng 5-2009, ông từ chức Tổng Thư ký IIP với tuyên bố để chuyên tâm giữ vị trí Phó Tổng thống Iraq. Không chỉ ủng hộ việc đưa nhiều thành viên người Sunni vào các cơ quan chính phủ và công quyền của chính quyền thủ tướng người Shiite Maliki, ông Hashemi cũng phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ tại quốc gia vùng Vịnh. Tuy nhiên, ngày 19-12 năm ngoái, chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố rút những lực lượng cuối cùng khỏi Iraq, lệnh bắt giữ ông Hashemi đã được Hội đồng Pháp lý Iraq ban bố. Một ngày sau, từ thủ phủ Arbil của người Cuốc, Phó Tổng thống Iraq đã bác bỏ mọi cáo buộc trong một cuộc họp báo. Trên thực tế, chính trị gia này đã tới Arbil vào ngày 18-12 sau khi nhận được thông tin ông sẽ bị bắt.

Lệnh bắt không thể được thực hiện khi lãnh đạo người Cuốc Massoud Barzani không trao ông cho nhà chức trách Iraq. Ngày 1-4-2012, Phó Tổng thống Iraq tới Qatar gặp gỡ giáo sĩ Hamad Bin Khalifa Al Thani trong động thái mà chính quyền Qatar thông báo là một chuyến thăm ngoại giao. Đồng thời, Doha từ chối dẫn độ chính trị gia này theo yêu cầu của phía Iraq. Ông Hashemi sau đó còn đến Saudi Arabia để có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao, Hoàng tử Saud Al Faisal trước khi tới tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 10-4. Mặc cho Interpol phát lệnh truy nã đỏ đối với Hashemi theo yêu cầu của Iraq nhưng Ankara cho đến nay vẫn từ chối dẫn độ chính trị gia này và đã cấp giấy cư trú dài hạn cho nhân vật này cùng gia đình. Do vậy, rất khó có thể biết được khi nào bản án mà chính quyền Iraq vừa tuyên có thể được thực hiện.

Minh Nhật