Bài 2 (Phần 2): Sự “va đập” giữa nếp cũ và mới

Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 14/09/2012

(HNM) - Văn hóa ứng xử của người Hà Nội giờ đã khác, không chỉ chịu chi phối bởi sự đan cài văn hóa vùng miền, mang tính tự thân, mà còn bởi rất nhiều điều luật.


Đô thị hiện đại cần có nhiều công dân văn minh, những người không chỉ biết sống theo cảm xúc, thói quen cũ nay đã không còn phù hợp, mà còn biết tôn trọng luật pháp, thậm chí là quy ước bất thành văn và quan trọng là dũng cảm tỏ thái độ phê phán những hành động làm tổn hại tới trật tự đô thị. Tiếc rằng ở Hà Nội vẫn còn có nhiều người thờ ơ với điều đó. Một nhà nghiên cứu tâm lý người Nhật Bản có gần 10 năm sống ở Hà Nội, ông đặc biệt chú ý tới tình trạng chen ngang một cách hồn nhiên ở nhiều nơi công cộng: trên đường, trong siêu thị, bưu điện, bến xe, thậm chí là ở trường mầm non khi đến kỳ nộp học phí. Tuy thế, sự ngạc nhiên của người đàn ông "mỗi khi đến kỳ nộp tiền học cho con là cảm thấy ủ rũ hết cả người" lại nằm ở khía cạnh khác: "Điều kỳ lạ là tôi chưa một lần thấy ai lên tiếng phản ứng. Có lẽ họ cũng bực mình nhưng có thể họ nghĩ có nói cũng chẳng được gì nên đành im lặng".

Giới trẻ cần hướng tới cái đẹp mang đậm bản sắc Việt Nam.Ảnh: Viết Thành

Những chuyện nhỏ nhiều khi trở thành đề tài lớn. Nhiều người từng đến đỉnh núi Đá Chồng thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, nơi có tượng đài Thánh Gióng nhận xét rằng giới trẻ đã thể hiện "sự kỳ quặc" ở đây. Họ thản nhiên viết lem nhem lên thân tượng, lên các phiến đá khắc tên Đức Thánh. Nào là "Mãi mãi pên nhau. Đức love Hương", nào "OX&PX, Hằng + Sinh + V.Anh - kỷ niệm", "Nhóm tứ quái đã đến đây"… dù khu vực tượng đài có nhiều biển "Đề nghị quý khách không trèo lên bệ tượng, không kẻ vẽ lên khu vực này". "Sự kỳ quặc" còn có thể thấy ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, nơi mà trước mùa thi nào cũng phải chống đỡ "cơn bão… sờ đầu rùa" từ các sĩ tử.

Rõ ràng là cách ứng xử với di sản văn hóa của người Hà Nội hiện đại đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết mà sự cố tu bổ chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ mới đây có thể được coi là ví dụ điển hình. Nhiều người gọi đó là một vụ "phá chùa" khi một số người giữ trách nhiệm quản lý di tích cấp quốc gia này cho dỡ nhà tổ, gác khánh rồi làm lại với vật liệu mới hơn. Tính điển hình nằm ở chỗ sự việc này diễn ra sau khá nhiều trường hợp "xây mới chùa chiền" đã bị lên án và Việt Nam có hẳn một bộ luật mang tên Di sản, trong bối cảnh mà một viên chức cấp xã bình thường cũng không thể không biết rằng nguyên tắc đầu tiên trong trùng tu di sản là bảo toàn tính nguyên gốc. Ở Chương Mỹ, trong trường hợp này, với một vụ "xây mới" công trình ở chùa Trăm Gian diễn ra trong vài tháng mà nhiều người có trách nhiệm liên quan cùng nói rằng "không biết", "có lẽ…" thì cần phải đặt câu hỏi quyết liệt hơn về thái độ ứng xử và trách nhiệm của họ đối với di sản văn hóa.

Sự va đập giữa nếp cũ với yêu cầu mới thể hiện ở nhiều lĩnh vực, qua những hình thái ứng xử khác nhau. Cũng như bảo tồn di sản, việc tổ chức và tham gia lễ hội của nhiều người Hà Nội cho thấy cách ứng xử không phù hợp. Mỗi một mùa lễ hội qua đi, người ta lại phải kêu ca về tình hình an ninh trật tự, xả rác bừa bãi, bán hàng "chặt chém"… Bất chấp quy định hiện hành về nếp sống văn minh nơi công cộng, nhà nhà ven mặt đường đua nhau trưng biển hiệu, biển quảng cáo không đúng khuôn mẫu, phát tờ rơi quảng cáo rao vặt hoặc dán lên tường nhà dân trong khi thành phố Hà Nội đã lắp dựng hệ thống bảng quảng cáo rao vặt miễn phí. Quy định về tổ chức ma chay, cưới hỏi, văn hóa lễ hội có nhiều (Chỉ thị số 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Thông tư 04 của Bộ VH,TT&DL; Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội…) phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống, đạo lý, song việc triển khai các quy định này mới dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền chứ chưa có hình thức xử phạt thích đáng kèm theo nên hiệu quả hạn chế.

*
*       *

Thái độ ứng xử ở nơi công cộng thường được nhận diện một cách dễ dàng, càng phản cảm thì càng bị soi xét kỹ, đến mức khi tập hợp lại những hành vi ứng xử không phù hợp và đặt chúng bên bức tranh truyền thống về những hành vi thể hiện sự tiến bộ, dễ thấy sự chênh lệch lớn đến thế nào. Người ta ít khi đưa lên mạng hình ảnh giới trẻ thường xuyên nhường chỗ ngồi cho người lớn tuổi, nâng đỡ người tàn tật nhưng lại "chăm chỉ" phổ biến hình ảnh một lái xe có thái độ phục vụ không đúng mực.


Hà Nội đang thay đổi, bao hàm trong quá trình ấy cả những điều tiến bộ và sự xuống dốc về mặt ứng xử cần phải được uốn nắn kịp thời. Sự va đập giữa thói quen cũ và yêu cầu mới đặt ra đòi hỏi nhìn nhận lại những gì đã và đang diễn ra, rút ra bài học ứng xử phù hợp trong tương lai. Trong toàn bộ quá trình vận động ấy, có một bài học ứng xử tiêu biểu, luôn luôn đúng, đó là đặt lợi ích cá nhân trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích cộng đồng.

Thi Thi - Minh Ngọc