Cải tiến sổ hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 16:13, 13/09/2012
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, một trong số những điểm mới quan trọng của dự thảo luật là việc việc cấp mã số định danh, sổ hộ tịch cá nhân cho công dân, bộ sổ hộ tịch cho cơ quan quản lý nhằm khắc phục tình trạng dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán. Mọi dữ liệu hộ tịch trong sổ hộ tịch cá nhân phải trùng khớp với sổ bộ hộ tịch do chính quyền địa phương nắm giữ. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, phục vụ công tác quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội theo hướng hiện đại, bảo đảm thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác sử dụng trong tương lai. Nhằm tránh gây xáo trộn lớn trong đời sống nhân dân,, các loại sổ hộ tịch từ trước tới nay vẫn có đầy đủ giá trị pháp lý. Việc lập Sổ bộ hộ tịch và cấp Sổ hộ tịch cá nhân chỉ thực hiện đối với những trường hợp đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành (1-1-2015).
Phiên họp thứ 11 của UBTVQH. Ảnh VGPNEWS |
Thế nhưng, đây cũng là điểm UBTVQH chưa thống nhất cao. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật quy định sổ hộ tịch mới chỉ được cấp cho công dân Việt Nam sinh ra kể từ ngày 1-1-2015, đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ. Như vậy, việc cải tiến vẫn mang tính chất nửa vời, chưa bảo đảm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và công tác thống kê, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân cư.
Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị, việc cấp số định danh công dân cần tiến tới mỗi người dân chỉ có một mã số quản lý duy nhất dùng chung cho các giấy tờ cá nhân do cơ quan nhà nước cấp, nếu không thì chỉ thêm tốn kém và gây thêm phiền hà cho người dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Tư pháp phải xem xét kỹ vấn đề nêu trên. Đừng để mỗi một dự án luật ra đời thì người dân lại có thêm một cuốn sổ mới, điều này chưa giải quyết vấn đề giảm phiền hà về thủ tục hành chính cho người dân.
Lúng túng khi giải quyết di cư tự do
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho hay, từ năm 1976, do các nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc quản lý, sử dụng đất của các hộ gia đình dân tộc thiểu số cũng có những biến động. Xuất hiện ngày càng nhiều hộ đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất (nhất là các vùng Tây bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long). Đây là nguyên nhân chủ yếu làm tăng số hộ đói nghèo, gây tình trạng mất ổn định trong khu vực này.
Tính từ năm 2002 đến năm 2011, có 558.485 hộ nghèo cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Qua giám sát cho thấy, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con còn liên quan trực tiếp tới Luật cư trú, Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên các luật này lại không hề có điều nào quy định việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, hạn chế tình hình mất, thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc ngay ở quê hương mình. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, khâu xử lý di cư tự do còn lúng túng và thiếu giải pháp bền vững, đặc biệt là tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và các tỉnh khu vực Tây nguyên.
Để hạn chế và góp phần giải quyết triệt để tình trạng du canh, du cư và di cư tự do, QH, UBTVQH cần thường xuyên tiến hành hoạt động giám sát tối cao đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật nói chung và các chính sách về đất ở, đất sản xuất trong vùng đặc biệt khó khăn. Hằng năm, ưu tiên nguồn lực, bố tri đủ kinh phí cho các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia,các dự án đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi.