"Khát" hành lang pháp lý

Bất động sản - Ngày đăng : 07:19, 13/09/2012

(HNM) - Chiều 12-9, UBND TP Hà Nội đã ký kết với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác thực hiện các dự án theo mô hình đối tác công - tư (PPP).

* Hà Nội dự kiến xin thí điểm hai dự án PPP
(HNM) - Chiều 12-9, UBND TP Hà Nội đã ký kết với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác thực hiện các dự án theo mô hình đối tác công - tư (PPP). Đây là bước tiến mới trên con đường triển khai dự án đầu tiên theo mô hình PPP của TP. Trong bối cảnh vốn đầu tư từ ngân sách và cả vốn ODA bị "co lại", PPP có thể là chìa khóa khắc phục khó khăn về nguồn lực đầu tư không chỉ đối với riêng Hà Nội. Tuy nhiên, "nút thắt" về pháp lý đang cản trở việc áp dụng mô hình đầu tư này.

Mô hình đầu tư đối tác công - tư có thể trở thành “chìa  khóa” cho phát triển hạ tầng trong tương lai. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân đang được khẩn trương thi công.
Ảnh: Huy Hùng


Quyết tâm thí điểm PPP

Quỹ Đầu tư phát triển TP (HANIF) là một trong các cơ quan được TP giao tìm kiếm cơ hội và phương thức phát triển ứng dụng mô hình đầu tư PPP tại Hà Nội. Giám đốc HANIF Tô Thị Hạnh cho biết: Từ năm 2011, chúng tôi đã bắt đầu làm việc với phía Nhật Bản, cụ thể là JBIC để đề nghị họ giúp đỡ nghiên cứu hợp tác đầu tư PPP. Từ đó đến nay, giữa TP Hà Nội và các đối tác Nhật Bản đã nhiều lần làm việc với nhau, từng bước hiểu nhau hơn và đến nay đã thống nhất được một số nội dung tăng cường hợp tác thực hiện các dự án PPP cho Hà Nội.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND TP và JBIC về hợp tác đầu tư theo mô hình PPP cho Hà Nội chiều 12-9 là một bước tiến rất tốt. Đây là cơ sở pháp lý để hai bên chỉ đạo các đơn vị triển khai chính thức vào các dự án cụ thể để trình Chính phủ cho thí điểm PPP. Trên cơ sở này, hai bên sẽ tiến thêm một bước rất cụ thể là thành lập công ty khai thác và phát triển, nghiên cứu thí điểm các dự án theo mô hình PPP tại Hà Nội.

Việc thành lập công ty nghiên cứu dự án PPP chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Hiện nay, các dự án dự định thí điểm theo mô hình PPP ở Việt Nam đều do các tổ công tác nghiên cứu. Thành phần các tổ công tác này chủ yếu là đại diện các cơ quan nhà nước. Điều này khiến các dự án PPP khó thuyết phục, thậm chí khó giữ chân các nhà đầu tư tư nhân, vì họ không được tham gia nghiên cứu dự án từ đầu, không nắm được hết các rủi ro của dự án. Vấn đề này sẽ được khắc phục khi Hà Nội và phía Nhật Bản thành lập công ty liên doanh nghiên cứu PPP sắp tới. Ngoài đại diện các cơ quan nhà nước, HANIF, Ngân hàng JBIC, còn có đại diện các DN muốn đầu tư vào các dự án PPP. "Quá trình nghiên cứu chuẩn bị đầu tư của công ty này không khác gì quá trình đàm phán để thống nhất các tiêu chí về quyền lợi, trách nhiệm giữa các bên. Với cách làm này, việc nghiên cứu các dự án PPP chắc chắn sẽ chuyên nghiệp và nhanh hơn cách làm của các tổ công tác hiện nay" - Giám đốc HANIF Tô Thị Hạnh khẳng định.

Được biết, sau khi thành lập, công ty này sẽ nghiên cứu ngay hai dự án là Dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ trình Chính phủ xin cho phép thí điểm thực hiện các dự án này theo mô hình đầu tư PPP. Tuy nhiên, những người trong cuộc cũng không dám chắc về tính khả thi của những dự án thí điểm này vì chính những "nút thắt" của mô hình PPP ở Việt Nam.

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Vướng mắc cơ bản là cho đến nay, các bộ, ngành chưa cụ thể hóa được các tiêu chí về trách nhiệm của Nhà nước và tư nhân tham gia trong các dự án PPP. Cuối năm 2010, Thủ tướng ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Nhưng quy định còn rất chung chung. Chẳng hạn, quy định nhà nước tham gia các dự án PPP tối đa là 30% vốn đầu tư, nhưng gồm những nội dung gì, bằng tiền hay bằng các cơ chế hay bằng đất đều chưa được làm rõ. Cho đến nay, căn cứ để thực hiện các dự án PPP chỉ có duy nhất Quyết định 71 nói trên. Đó là chưa kể, bộ máy tổ chức về phía nhà nước chỉ đạo thực hiện PPP ở trung ương cũng chưa rõ, nên các địa phương không có căn cứ để tham vấn.

Theo tính toán, tổng nhu cầu về vốn đầu tư phát triển cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 là gần 500.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước TP chỉ có thể đáp ứng được khoảng 20%, còn lại phần lớn gần 80% phải kêu gọi từ các nguồn lực khác. Tính chung cả nước, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong thời gian tới lên tới 16 tỷ USD/năm, trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước chỉ được khoảng 7-8 tỷ USD. Ngoài vốn ngân sách, vốn vay gián tiếp nước ngoài (ODA) giữ vai trò quan trọng, nhưng nguồn lực này đang bị thu hẹp vì lo ngại gia tăng nợ công và các đối tác cũng cắt giảm ODA vì khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, Nhà nước phải tìm cách thu hút nguồn lực tài chính xã hội hóa mà PPP là mô hình tiến bộ hàng đầu.

Một mô hình đầu tư hay, có thể trở thành "chìa khóa" tháo gỡ khó khăn về nguồn lực đầu tư công hiện nay như PPP cần thiết phải sớm có hành lang pháp lý. Việc dựa vào PPP mới chỉ được cho thí điểm để kéo dài tình trạng chỉ có duy nhất Quyết định 71 làm căn cứ pháp lý dường như không phù hợp.

Võ Lâm