Đẩy mạnh đưa hàng về nông thôn và các khu công nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:50, 12/09/2012
Hàng Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. |
Ngay sau khi Ban chỉ đạo CVĐ TP Hà Nội được thành lập, Sở Công thương đã phối hợp với UB MTTQ TP đẩy mạnh tuyên truyền trong các đơn vị và DN trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa và giải pháp thực hiện CVĐ. Triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh phát triển SXKD các sản phẩm có sức cạnh tranh, có thương hiệu và giá trị gia tăng cao. Tám tháng qua, Sở đã khảo sát và thu thập thông tin từ các DN, đánh giá công nhận lại cho 30 DN đã có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đồng thời, triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của TP, tập trung vào 5 nhóm ngành có lợi thế, gồm linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy; sản phẩm hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo; thiết bị vật liệu điện; sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin; sản phẩm hỗ trợ ngành dệt, may nhằm mục tiêu thay thế hàng nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Sở Công thương cũng xây dựng kế hoạch "cấy" nghề tiểu thủ công nghiệp cho 50 làng chưa có nghề; hỗ trợ các làng nghề thực hiện dự án đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; hỗ trợ DN tham gia nhiều hội chợ trong, ngoài nước, qua đó đã ký kết được 135 biên bản ghi nhớ với các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, Sở đã chỉ đạo và phối hợp với các DN như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt, Công ty TNHH Siêu thị và dịch vụ Big C Thăng Long… tổ chức 77 chuyến bán hàng phiên chợ Việt, 358 chuyến bán hàng lưu động, 9 trung tâm bán hàng lưu động, 36 phiên chợ Tết và các chương trình "Tuần bán hàng vì người tiêu dùng năm 2012"… cũng góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Đưa hàng về nông thôn, vào khu công nghiệp (KCN) là một trong những mục tiêu mà Hà Nội đặt ra từ những ngày đầu triển khai CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và thực hiện chương trình bình ổn giá. Nhưng, việc triển khai hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền, ban quản lý các KCN trong việc lựa chọn, xây dựng các điểm bán hàng. Với hạ tầng cơ sở khá đồng bộ và thuận lợi, 6 quầy bình ổn giá đã được hình thành tại KCN Bắc Thăng Long. Toàn bộ 9 nhóm mặt hàng được TP tạm ứng vốn như thịt gia súc, gia cầm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ quả, gạo…đều có trên các kệ hàng, với giá bán được kiểm soát chặt, thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%. Các DN tham gia chương trình bình ổn giá cho biết, việc mở rộng mạng lưới bình ổn giá tại các KCN đã giúp người lao động được hưởng những hiệu quả tích cực từ chương trình, doanh thu của mỗi cửa hàng đạt mức 80 triệu đồng/ngày, cao gấp 4 lần so với doanh thu của các chuyến bán hàng lưu động. Điều đó cho thấy việc đưa hàng bình ổn giá vào các KCN là chủ trương đúng và cần thiết. Tuy nhiên, ngoài KCN Bắc Thăng Long, việc mở các quầy hàng bình ổn giá tại 7 KCN còn lại như Sài Đồng (Long Biên), Phú Thị (Gia Lâm), Nội Bài (Sóc Sơn), Phú Nghĩa (Chương Mỹ)… rất khó khăn. Mặc dù, Sở đã gửi văn bản về việc phối hợp bố trí điểm bán hàng đến các quận, huyện, chủ đầu tư các KCN, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Việc đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần tạo mối liên kết giữa các DN và địa phương. Tuy nhiên, do kinh phí xúc tiến hạn chế, hệ thống phân phối tại các vùng sâu, vùng xa chưa hoàn thiện, nên khi kết thúc các chuyến hàng, người tiêu dùng không biết mua hàng ở đâu. Để hỗ trợ DN đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới các ngành chức năng cần có chính sách giúp DN cải tiến công nghệ, tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu; có chính sách kích cầu đầu tư như miễn giảm, giãn các loại thuế cho hàng hóa là tư liệu sản xuất và tiêu dùng. Từ nay đến cuối năm, cùng với việc tiếp tục đưa hàng về nông thôn, việc mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng tại các KCN cũng cần được đẩy mạnh để người lao động ở những khu vực này tiếp cận được với những mặt hàng bình ổn giá. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, góp phần bảo vệ sản phẩm, hàng hóa DN Việt sản xuất, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.