Đông Á dưới áp lực giảm tốc

Thế giới - Ngày đăng : 07:38, 12/09/2012

(HNM) -

Cắt giảm ngân sách đang được nói đến nhiều hơn bất kỳ một chính sách nào để vực dậy Lục địa già đã đưa Châu Âu vào kỷ nguyên "khắc khổ". Trái ngược với lựa chọn của Châu Âu, Hàn Quốc vừa khiến dư luận phải quan tâm khi tung ra 5,9 nghìn tỷ won (tương đương 5,25 tỷ USD) để kích thích kinh tế trong một gói cứu trợ mới nhất.


Hàn Quốc kích thích tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng.

Như vậy không có nghĩa Seoul tiêu xài hoang phí giữa lúc cả thế giới đang phải "thắt lưng buộc bụng". Buộc phải móc hầu bao lần thứ hai trong chỉ chưa đầy 3 tháng (gói kích thích thứ nhất trị giá 8,5 nghìn tỷ won được tung ra hồi tháng 6) Hàn Quốc đang cố giải bài toán không mấy vui vẻ là nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á đã tăng trưởng chậm lại. Từng được xem là một điều thần kỳ, những bước phát triển đầy ấn tượng đã đưa đất nước không giàu tài nguyên tại Đông Bắc Á vào danh sách 10 nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Nhờ đó, đã khiến Hàn Quốc vượt qua bão táp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không quá khó khăn. Thế nhưng, đến nay, cỗ máy giàu năng lượng của Đông Bắc Á đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu trục trặc. Dù tổng số tiền chi cho hai lần kích thích trong năm nay chiếm 1% GDP, song dường như cuộc tiếp sức chưa đủ tạo ra xung lực đủ để cải thiện sự trì trệ. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã phải điều chỉnh tăng trưởng của nước này trong quý II xuống 0,3%, thấp hơn dự báo 0,4% được công bố một tháng trước đó. Như vậy, mức tăng thấp nhất trong ba quý gần đây là lý do chủ yếu để nhiều nhà phân tích nhận định GDP của Hàn Quốc năm nay chỉ ở ngưỡng 2,5%.

Xuất khẩu - lĩnh vực then chốt - suy giảm được xác định là nguyên nhân dẫn tới sự ì ạch của con rồng Châu Á. Là một nền kinh tế hướng ra bên ngoài, cuộc khủng hoảng tại Châu Âu và khả năng hồi phục mong manh của kinh tế toàn cầu đã bắt đầu để lại di chứng với kinh tế Hàn Quốc. Số liệu tháng 8 khẳng định hàng hóa xuất ra nước ngoài của xứ Hàn đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt sang Liên minh Châu Âu (EU) giảm 9,3% là tin tức gây đau đầu nhất cho Seoul.

Tuy nhiên, không phải chỉ Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng không dễ cải thiện này, sự giảm sút nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khắp thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực cất cánh của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt tại Đông Á. Vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, giờ đây, khi cả hành tinh ngập chìm trong nợ nần và suy thoái, điểm sáng Đông Á trên bản đồ kinh tế thế giới đang bị lu mờ. Ngay cả nền kinh tế lớn nhất Châu Á là Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách để vực dậy tăng trưởng. Hơn 30 năm phát triển không ngừng, cú giảm tốc của con tàu cao tốc Trung Quốc cho thấy thách thức mà người khổng lồ Châu Á phải đối diện là không nhỏ. Dù đã liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ với các đợt giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu nội địa, nhưng tỷ lệ lạm phát cao liên tiếp đe dọa, thị trường bất động sản chưa tan băng, đầu tư giảm... đã khiến các biện pháp thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc chưa được như ý.

Sau những thập niên tăng trưởng thần tốc như một kỳ tích, hệ lụy của khủng hoảng kinh tế thế giới dù đến muộn nhưng đã kịp đặt Đông Á vào một giai đoạn khó khăn hơn. Cú sốc này đang tiếp tục khẳng định sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ giữa các nền kinh tế khu vực trong thời đại toàn cầu hóa. Do đó, thật khó để quốc gia nào có thể hưởng lợi từ khó khăn của nước khác. Ngược lại, đoàn tàu kinh tế khu vực và thế giới chỉ tiến lên phía trước nếu tất cả các toa tàu đều trong một chuyển động nhịp nhàng.

Với Đông Á nói riêng và thế giới nói chung, gói cứu trợ mới của Hàn Quốc - sau "bài học" Mỹ - cho thấy sự lệ thuộc kinh tế vào bên ngoài qua xuất khẩu chưa bao giờ là một lựa chọn đúng cho dù là rất quan trọng trong một nền kinh tế muốn phát triển. Đây là bài học thực tiễn có giá trị. Thực tế cho thấy, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ổn định an ninh để phát triển kinh tế luôn là chìa khóa cho tăng trưởng của không chỉ riêng cho Đông Á. Tất cả các quốc gia chỉ có thể chia sẻ "trái ngọt" khi cùng có trách nhiệm xây dựng một khu vực năng động, ổn định, hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Vân Khanh