Xả quỹ bình ổn, giảm thuế thay vì tăng giá xăng, dầu

Kinh tế - Ngày đăng : 20:24, 11/09/2012

(HNMO)-Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ nguyên giá bán lẻ như hiện hành, thay vào đó doanh nghiệp được nâng mức sử dụng quỹ bình ổn các mặt hàng này và giảm thuế nhập một số mặt hàng dầu.


Để bình ổn giá thị trường; sau khi cân nhắc các giải pháp tài chính để điều hành kinh doanh xăng dầu, thực hiện nhất quán quan điểm điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định hiện hành; Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã họp và thống nhất: Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối không tăng mà giữ ổn định giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng, dầu như hiện hành.

Thông tin này được Bộ Tài chính phát đi lúc tối 11/9.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng Quỹ Bình ổn giá tính cho lượng xăng, dầu thực tế bán ra ở nhiệt độ thực tế đối với các mặt hàng xăng, dầu để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành là 500 đồng/lít xăng; tăng mức sử dụng quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazút từ mức 300 đồng/lít (kg), lên 500đồng/lít (kg). Thời điểm áp dụng là từ 20 giờ ngày 11/9.

Giá bán lẻ xăng RON 92 giữ nguyên mức  23.650 đồng/lít. Ảnh minh họa


Cùng với các biện pháp trên, cơ quan quản lý đồng loạt hạ thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu 2%. Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu dầu diesel từ 10% xuống 8%; dầu mazút và dầu hoả từ 12% xuống 10%. Riêng thuế suất thuế nhập khẩu xăng giữ như quy định hiện hành là 12%. Mức thuế mới được áp dụng từ ngày 11/9.

Liên Bộ cũng cho biết, trong điều kiện hiện nay thì tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhằm chia sẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Như vậy, Liên Bộ Tài chính-Công thương đã bác đề xuất tăng giá xăng, dầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối.

Trước đó, cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã đề xuất lên Bộ Tài chính tăng giá xăng, dầu thêm 1.300 đồng/lít. Lý do được đưa ra là trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá xăng giao dịch trên thị trường Singapore-nơi cung ứng xăng dầu nhiều nhất cho Việt Nam-có chiều hướng giảm và đã chạm đáy vào ngày 5/9, chỉ còn 118,7USD/thùng. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, giá đã bật trở lại về mức 122,39 USD/thùng, tăng vọt tới 3,69 USD/thùng, tính chung bình quân 30 ngày của mặt hàng xăng A92 vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày (từ ngày 12/8 đến ngày 10/9) với bình quân 30 ngày trước đó (từ ngày 13/7 đến ngày 11/8) tăng từ 6,16 % đến 9,43 % tùy từng chủng loại xăng dầu.

Nếu Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất của các doanh nghiệp thì đây sẽ là mức tăng thứ 5 liên tiếp, kể từ thời điểm doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán với tần suất khoảng 10 ngày/lần.

Tại buổi họp báo ngày 29/8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đã trả lời thắc mắc về việc có thể giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để giảm bớt áp lực tăng giá rằng chưa thể điều chỉnh thuế các mặt hàng này bởi mức thuế như hiện nay đang thấp hơn 5% -8% so với barem; theo cam kết hội nhập, Việt Nam phải áp thuế nhập khẩu tối thiểu 7%. Một lý do nữa là cần bảo đảm thu ngân sách để cân đối vĩ mô. Tuy nhiên, ông Thỏa cho biết, trong điều kiện giá tăng quá cao, Nhà nước sẽ can thiệp bằng biện pháp điều chỉnh thuế.

Ngô Hương