Những bảo mẫu ở Làng Birla
Đời sống - Ngày đăng : 06:25, 11/09/2012
Trong dịp về thăm quê hương, trở lại Làng trẻ em Birla - nơi gắn bó gần 10 năm trời, em Thanh Diệp, hiện đang sống và làm việc ở Singapore đã xúc động kể về những người bảo mẫu chăm sóc trẻ mồ côi ở Làng trẻ em Birla.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Làng Birla. Ảnh: Đàm Duy
Làng trẻ em Birla có 23 cán bộ, nhân viên, trong đó có 6 bảo mẫu trực tiếp chăm sóc 110 trẻ mồ côi. Mỗi bảo mẫu có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là hết lòng vì những đứa trẻ bất hạnh. Bảo mẫu Nghiêm Thị Lan, sinh năm 1969, làm công việc chăm sóc trẻ mồ côi ở làng đã hơn 10 năm. Chị nói, cả cuộc đời, chị chỉ mong được gắn bó với làng, với những đứa trẻ có số phận không may mắn. Chị muốn dành hết tình thương, bù đắp những mất mát, thiệt thòi mà các em phải gánh chịu.
Đến nay, chị Lan không nhớ đã chăm sóc, dạy dỗ cho bao nhiêu trẻ bất hạnh, thiệt thòi, nhưng với chị nhìn thấy những "đứa con" của mình khỏe mạnh, chăm ngoan, trưởng thành là chị thấy vui rồi. Giờ đây, dù đã ngoại tứ tuần nhưng chị vẫn đơn côi, lẻ bóng. "Có lẽ cả đời này tôi sẽ không lập gia đình. Tôi sẽ dành toàn bộ sức lực, tình cảm chăm sóc các em như những người thân yêu của mình", chị Lan tâm sự.
Chị Mai Thị Tuyết, sinh năm 1963, quê ở Thanh Hóa, gắn bó với làng đã hơn 5 năm. Trước kia, chị cũng có một mái ấm gia đình với người chồng là thương binh. Sau khi chồng qua đời vì bệnh tật, lại không có con nên chị đã làm đơn xin vào Làng trẻ em Birla, dù biết rằng nguồn thu nhập từ nghề bảo mẫu ở đây không đáng là bao. "Với tôi, thu nhập cao hay thấp không còn quá quan trọng. Quan trọng nhất là được gắn bó, chăm sóc các cháu", chị Tuyết bày tỏ. Chung suy nghĩ như chị Tuyết, chị Nguyễn Thị Diện, sinh năm 1957, quê ở Hòa Bình, sống và làm việc ở làng từ năm 1999 tâm sự: "Tôi rất thương các cháu phải vào đây bởi các cháu có hoàn cảnh hết sức éo le. Có cháu khi sinh ra, không biết bố mẹ mình là ai. Có cháu biết được mặt bố, mẹ nhưng bố, mẹ lại sớm qua đời. Làm việc ở đây ngoài tinh thần trách nhiệm cao cần phải có một chữ tâm thì mới trụ lại lâu được", chị Diện nói. Giống như chị Lan, chị Diện cũng không lập gia đình, mọi tình cảm thương yêu đều dành cho những số phận bất hạnh ở ngôi Làng Birla.
Công việc của các bảo mẫu lúc nào cũng bận rộn với các việc đưa các cháu đến trường, nấu ăn, giặt giũ quần áo, an ủi, động viên các cháu chăm ngoan học hành. "Mỗi bảo mẫu phụ trách khoảng 20 cháu. Mỗi cháu một tính cách, một hoàn cảnh nên việc chia sẻ những thiếu thốn cho các cháu nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn". Cũng theo chị Diện, khó khăn lớn nhất của các bảo mẫu là làm sao ổn định tinh thần cho các cháu.
Nhiều cháu ở Làng trẻ em Birla khi học hòa nhập luôn bị các bạn cùng lớp chòng ghẹo là "đồ không cha, không mẹ". Những lúc như vậy, các bảo mẫu lại gần gũi chuyện trò, khuyên bảo để các cháu quên đi mặc cảm bản thân, khuyên bảo các cháu vào khuôn khổ, nền nếp.
Sống ở Làng trẻ em Birla, những cháu nhỏ mồ côi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm chăm sóc, yêu thương của các bảo mẫu - những người tình nguyện hy sinh hạnh phúc của bản thân, vượt qua mọi khó khăn, mọi định kiến để đến với những đứa trẻ kém may mắn, giúp chúng cảm nhận được tình mẫu tử, hòa nhập với cộng đồng. Em Nguyễn Bá Lý xúc động nói: "Sống trong tình yêu thương của các mẹ, các cô chú, cùng với những lời dặn dò của ông nội, em luôn cố gắng học tập. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi của trường, đạt nhiều giải trong các kỳ thi cấp quận và thành phố. Với lòng kính trọng và biết ơn vô hạn, chúng em nguyện sẽ phấn đấu là những con ngoan, trò giỏi, sống có ích".