Sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi giả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 10/09/2012
Thức ăn chăn nuôi giả hiện đang được sản xuất và buôn bán ở nhiều nơi thuộc vùng nông thôn. Điều này khiến cho hoạt động chăn nuôi của nông dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị quý Báo cho biết, người có hành vi sản xuất hay buôn bán thức ăn chăn nuôi giả có thể bị xử lý hình sự hay không?
Nguyễn Văn Trung
Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà
(Công ty Luật TNHH YouMe, ĐT: 0913.55.99.44; website: www.youme vietnam.com) trả lời:
- Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư số 44/2011/TT-BTC ngày 1-4-2011, hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan, hàng giả bao gồm: a) Giả chất lượng và công dụng, hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa; b) Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa; c) Giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan; d) Các loại đề can, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành… có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng; e) Đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành nếu pháp luật có quy định riêng thì áp dụng các quy định đó để xác định hàng giả.
Người sản xuất hay buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này, hoặc tại một trong các Điều 153, 154, 155, 156, 157, 159 và 161 của BLHS, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; d) Hàng giả có số lượng rất lớn; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội trong trường hợp hàng giả có số lượng đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.