Eurozone: Cuộc giải cứu bên bờ vực thẳm

Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 10/09/2012

(HNM) - Lâu đài Orsini được xây dựng từ năm 1270 tại Lazio, cung điện Diedo ở thành phố Venice cổ kính của Italia, phần lớn đảo Mykonos nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp như trên thiên đường… là những bất động sản trứ danh của Châu Âu vừa được rao bán nhằm thu tiền ứng phó với khủng hoảng nợ công.


Châu Âu quyết bảo vệ Eurozone.

Thế nhưng, khoảng 2 tỷ USD mà Hy Lạp và Italia hy vọng có được với lần cầm cố nhà đất này chẳng đáng là bao so với khoản nợ kếch xù mà hai nước đang phải đối mặt. Và tất nhiên, Châu Âu không xem những cuộc mua bán nêu trên là một giải pháp tối ưu. Do vậy, các nhà lãnh đạo Lục địa già buộc phải đưa ra một quyết định chiến lược sau nhiều lần bàn thảo không thành: Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tung tiền mua tất cả trái phiếu chính phủ của các nước thành viên gặp khó về kinh tế.

Cuộc giải cứu ồ ạt này đã bị trì hoãn do sự phản đối quyết liệt từ Đức nhưng cuối cùng cũng nhận được sự ủng hộ của thành viên lớn nhất Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Chứng khoán bật tăng, giá dầu nhích nhẹ sau cú chuyển động được cho là bước ngoặt về chính sách tại Lục địa già. Với chương trình mua trái phiếu không hạn chế và thời gian đáo hạn từ 1 đến 3 năm, Châu Âu xem ra sẽ quyết tâm chấn chỉnh sự hỗn loạn trên thị trường tín dụng nhằm giảm thiểu những hệ lụy của cơn bão nợ công. Chắc chắn không dễ dàng để Chủ tịch ECB Mario Draghi thuyết phục được Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng tình với "phương thuốc" vừa có khả năng cứu nguy nhưng cũng có thể "giết người" nếu không được sử dụng đúng cách. Cho đến nay, nhiều chính khách Đức vẫn cho rằng vận hành cỗ máy in tiền với cường độ lớn để bơm cho các quốc gia thiếu hụt không cẩn thận sẽ làm tan vỡ hệ thống tiền tệ của Eurozone. Thế nhưng, Berlin tin rằng đây là một lựa chọn cần thiết trong thời điểm hiện nay, có tác dụng "giải vây" từ xa khi chi phí vay mượn của nhiều quốc gia, đặc biệt là Italia và Tây Ban Nha đã lên quá cao trên thị trường tự do.

Dù khẳng định chưa cần đến sự trợ giúp của ECB qua việc mua trái phiếu, nhưng nhìn chung tình hình Italia không phát đi chỉ dấu lạc quan nào. Nhà xếp hạng tín dụng Moody's dự báo GDP của nước này sẽ ở dưới mức trung bình của 17 thành viên Eurozone. Trong khi đó, Fitch cho rằng tăng trưởng của Italia sẽ sụt 1,9% trong năm nay do hậu quả của nhiều quý liên tiếp đi xuống. Chưa phải xếp đơn đăng ký nhận cứu trợ quốc tế, nhưng rõ ràng nền kinh tế thứ ba Eurozone đã không thể thoát khỏi "hố đen" suy thoái sau một thời gian thắt lưng buộc bụng để giảm gánh nặng nợ công. Nhưng, không chỉ đất nước hình chiếc ủng tăng trưởng yếu kém mà cả Châu Âu cũng đang đến rất gần bờ vực suy thoái thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy ba năm. Số liệu cho thấy GDP của cả liên minh trong quý II đã giảm 0,2% so với quý I và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái là sự cảnh báo gần nhất về nguy cơ đó. Mặc dù lĩnh vực xuất khẩu đã đóng góp đáng kể vào GDP thời gian gần đây, song điểm sáng duy nhất này không đủ xua tan bóng tối đang bao trùm bức tranh kinh tế ảm đạm của toàn Châu Âu. Trong khi đó, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã chững lại còn Mỹ, Nhật Bản… vẫn đang chật vật để giữ đà hồi phục trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, mức tín nhiệm triển vọng nợ dài hạn của Châu Âu vừa bị Moody's hạ từ ổn định xuống tiêu cực giống như những thành viên mạnh nhất trong khối: Đức, Pháp và Hà Lan. Sự kiện này đã được dự đoán trước, nhưng không khỏi khiến Lục địa già thêm mệt mỏi. Ít nhất, nhận định trên cũng cho thấy kể từ sau "quả bóng" Hy Lạp xì hơi, dịch nợ nần đang làm suy yếu cả Châu Âu phồn hoa.

Mặc dù vậy, với cuộc giải cứu quyết định vừa được tung ra Châu Âu đang khiến thế giới tin rằng, Cựu lục địa đang và sẽ làm tất cả để có thể để bảo vệ đồng euro và sự sống còn của Eurozone.

Vân Khanh