Lỗi đâu chỉ tại ông Trời?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:52, 10/09/2012
Hảng A Lâm, sinh năm 1990, người thoát chết trong gang tấc của vụ sạt núi kinh hoàng đã kể với chúng tôi rằng: "Mỗi buổi đi mót quặng cũng được chừng 50-80kg, tính ra tiền cũng được 100-300 nghìn đồng ngày". Tôi hỏi Lâm: "Huyện, xã đã có nhắc nhở không được đi mót quặng rồi mà. Sao còn vậy?". Không chần chừ, Lâm bảo: "Lúa đã chín đâu! Nếu không đi mót quặng thì đói à?". Với cái lý ấy, Lâm cũng như hàng trăm người vẫn rủ nhau lên mỏ, mót quặng kiếm sống.
Nguồn nước cho ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn ngày càng cạn kiệt.
Cũng chính Lâm khi đang đi tìm lại cái máng đãi quặng đã thoát chết và cứu được hai anh em Hảng A Nắng và Hảng A Thắng. Tại Bệnh viện Nghĩa Lộ, Hảng A Nắng mới tỉnh lại sau cơn hôn mê kể: "Khi đang mót quặng dưới khe bỗng thấy đất đá đổ xuống bèn chạy nhưng không kịp rồi bị đất đá ập xuống ngập đầu. Được một lúc thì ngất đi đến khi tỉnh lại đã thấy nằm ở bệnh viện". Trong đợt này, vì có tới 4 người, gồm 2 anh trai, một chị dâu và một đứa cháu đã thiệt mạng nên Nắng sợ lắm, sẽ chỉ đi làm ngô, làm ruộng thôi.
Bà Thào Thị Dở đã hơn 70 tuổi cùng cô con dâu là Lý Thị Sàng, trên đường đi nhận xác của hai đứa cháu nội, cứ gặp người quen hỏi thăm lại ôm nhau khóc, kể lể về những mất mát của gia đình. Bà Dở mất hai đứa cháu nội, chị Sàng mất hai người con là Hảng A Dinh và Hảng A Sùng. Bà Dở than: "Sao nhà tôi khổ thế? Sao lại chết nhiều người thế? Đã bao giờ chết nhiều thế đâu?". Đáng buồn hơn là Sùng vốn đang là sinh viên hệ cao đẳng của Trường ĐH Tây Bắc ở Sơn La chỉ vì tranh thủ đi mót quặng để kiếm thêm tiền cho năm học mới mà đã thiệt mạng. Cái chết của hai anh em Dinh và Sùng đã khiến gia đình đang cảnh túng thiếu lại càng thêm quẫn kiệt.
Khai mỏ, nguồn nước cạn kiệt và nhiễm độc
Tại ngã ba Kim, những người Mông gốc ở La Pán Tẩn cũng bị xáo động mạnh vì quá nhiều người trong dòng họ mất mạng bởi vụ sập núi. Ông Lý Súa Tính, đã có thời làm lãnh đạo xã La Pán Tẩn cho biết, chỉ riêng trong họ của nhà ông đã có tới 4 người thiệt mạng.
"Tôi bức xúc lắm! Mỏ mới khai thác mà đã mất nước rồi. Mà đã mất nước thì bà con hết đường sống thôi" - ông Tính nói. Lúa ở La Pán Tẩn năm nay không được mùa như mọi năm, khi mạ già rồi mới có nước để cấy. Đến giờ lúa già cũng không chín được. Lại còn mất mùa cả thảo quả nữa. Mọi năm mỗi khóm thảo quả có tới hơn hai mươi bông đều cho quả. Năm nay mỗi khóm chỉ ra được khoảng 10 bông mà lại cho quả lép. Thậm chí nhiều nơi thảo quả chết luôn cả khóm. "Mất mùa đều tại thiếu nước. Mà thiếu nước đâu chỉ bởi ông trời. Người ta khai thác quặng ở đầu nguồn nên nước chảy hết sang phía bên kia". Ông Tính phân tích.
Nỗi bức xúc vì khai thác mỏ chì kẽm triệt đường sống của bà con không chỉ là của riêng ông Tính. Một cán bộ đề nghị không nêu danh tính khẳng định, nếu tiếp tục khai thác mỏ thì sẽ giết chết ruộng bậc thang. Hàng chục héc ta ruộng bậc thang của La Pán Tẩn thuộc vùng di sản văn hóa cấp quốc gia sẽ chết khô khi nguồn nước bị cạn kiệt và nhiễm độc. Khi thiếu nước và nước lại bị nhiễm độc, lúa chín sẽ cho thóc lép, cá không sống được ở suối cũng như trong ao, gà và lợn cũng không nuôi được…
Được quặng… chết lúa, hỏng di sản
Trước đây không lâu người Mông ở La Pán Tẩn đã kéo lên xã, rồi kéo lên cả huyện vì chuyện người ta lại khai thác chì kẽm ở bản Hấu Đề. "Hấu Đề" theo tiếng Mông nghĩa đầu nguồn nước. Nguồn nước cho ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn vốn đã ít đi khi Công ty TNHH Thịnh Đạt khai thác mỏ chì kẽm ở ngay dưới đỉnh Đá Trắng. Giờ nếu tiếp tục khai thác mỏ ở Hấu Đề thì nguồn nước thứ hai và cũng là nguồn nước cuối cùng cho ruộng lúa và cho sinh hoạt của bà con sẽ bị nhiễm độc. Người dân không muốn nhận bất cứ đồng tiền đền bù nào của chủ đầu tư dù cho hộ dân ở điểm phát lộ mỏ quặng mới đã nhận hơn 1 tỷ đồng bởi vì họ biết chắc một điều rằng, nếu không có nước thì đời họ và đời con, đời cháu của họ cũng sẽ không sống được trên mảnh đất này.
Chính quyền xã, huyện cũng đang kẹt cứng vì người dân thì phản đối còn cấp trên lại cấp phép thăm dò và khai thác mỏ cho doanh nghiệp. Ngay trước khi thảm họa xảy ra, chính quyền xã cùng doanh nghiệp đã vận động, yêu cầu bà con ký vào bản cam kết không đi mót quặng. Ký thì ký nhưng đi mót quặng cứ đi một khi người dân đã biết ở đó có quặng. Lãnh đạo xã, huyện lý giải rằng trời mưa thì rửa trôi đất làm quặng lộ ra, người dân dễ dàng mót quặng hơn nên họ bất chấp nguy hiểm. Vì kế mưu sinh, mỗi khi đi làm nương thảo quả ở quanh khu vực có quặng hoặc vào những ngày nông nhàn, mùa giáp hạt người dân lại tranh thủ mót quặng. Trung bình mỗi người mỗi ngày mót được khoảng 10 cân, bán đi được khoảng 300.000 đồng, số tiền không hề nhỏ với người dân nơi đây. Thậm chí, hồi tháng 4-2011, người dân ở La Pán Tẩn và các xã lân cận còn bất chấp nguy hiểm kéo hàng trăm người, lên khu mỏ thuộc quyền khai thác của Công ty Khai thác khoáng sản Nam Hồng Hà ở bản Kháo Nhà, xã Cao Phạ, giáp ranh khu vực xảy ra vụ sập núi. Tại đó trước đây từng xảy ra sập lò làm chết Lý A Dờ 25 tuổi người bản Ma Lừ Thàng xã Dế Xu Phình và bị thương hai người là Lý A Chu và Hảng A Chua của xã La Pán Tẩn.
Ngày 20-4-2011, UBND tỉnh Yên Bái ra công điện số 04/CĐ-UBND nhằm giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã La Pán Tẩn, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng UBND huyện cho nổ mìn đánh sập cửa hầm lò để bảo vệ tính mạng cho người dân. Nhưng trớ trêu thay, khi đánh sập hầm lò thì nhiều vỉa quặng lại lộ ra và người dân lại lao vào mót quặng.
Ruộng không có nước, mùa vụ luôn bị muộn. Lúa không chín được do thiếu nước, do nước thải từ quặng chì, quặng kẽm. Tất cả điều này dù người Mông ở Mù Cang Chải không thể giải thích được một cách khoa học nhưng họ cũng đã nhìn thấy hậu quả và đã nêu bức xúc bằng những lá đơn kiện lên xã, lên huyện. Song những sự kiện cáo ấy chỉ được trả lời rằng, việc cho khai thác quặng ở khu vực La Pán Tẩn đã được cấp trên quyết định rồi, không thể thay đổi được chỉ có thực hiện thôi. Trả lời là thế, nhưng chắc chắn, cái gì được, cái gì mất thì lãnh đạo địa phương cũng đều biết cả. Vậy nên để xảy ra những đau thương mất mát hôm nay lỗi đâu chỉ tại ông Trời?