Làng văn hóa Đại Từ
Xã hội - Ngày đăng : 08:07, 17/04/2004
Khu đô thị hiện đại Linh Đàm mọc lên bên làng cổ Đại Từ Ảnh: PV
Lúc ấy, Linh Đường đã có ngôi đình thờ thần, nay trên vùng đất mới dân dựng chùa thờ Phật. Chùa do bà chúa Trịnh Thị Ngọc Tải hưng công, tên chữ Đại Bi tự. Xuất phát từ ý nghĩa đẹp của tên gọi ngôi chùa, từ đó, thôn mới có tên gọi Đại Từ (giàu lòng thương yêu con người).
Cùng với ngôi chùa, sau này, người Đại Từ còn xây đình thờ Bảo Ninh vương (theo truyền thuyết là học trò thủy thần của Chu Văn An, gặp năm hạn hán, không sợ hiểm nguy, đã dũng cảm làm mưa cứu dân). Làng lại dựng văn chỉ, thọ chỉ, đàn tiên nông. Các di tích này đều nằm bên trục đường chính của làng, chạy từ Đông sang Tây. Đến nay, người dân còn nhớ trên đường có cầu Hồng. Cầu bắc qua ngòi nối đầm Linh Đường với đầm Định Công, xưa kia ăn thông với ngòi Phương Liệt, Trung Tự tới Xã Đàn. Thời Lê - Trịnh, vua chúa thường ngự thuyền từ kinh đô về hồ Linh Đường vui chơi ngắm trăng. Đại Từ nằm ở vị trí giao thông thuận tiện, khí hậu quanh năm mát mẻ. Các bà mẹ Đại Từ sống thuần hậu lại khéo chăm sóc trẻ nhỏ nên được nhiều gia đình ở kinh đô gửi con về nuôi. Hoàng giáp Vũ Nhự, người phường Kim Cổ; ông nghè Rễ (con trai cụ Nguyễn Trọng Hợp) người làng Kim Lũ đều được nuôi dạy ở Đại Từ.
Dưới thời thi cử bằng chữ Hán, làng có 13 ông đồ hay chữ dạy 500 học trò thành đạt. Tiến sĩ Nguyễn Chính sinh năm 1562, thi đỗ năm 1602, đi sứ năm 1613 học được nghề dát thiếc về truyền cho dân làng Giáp Lục (xã Thịnh Liệt, Thanh Trì), khi mất được dân tôn là tổ nghề, thành hoàng làng. Tiến sĩ Nguyễn Bá Trữ sinh năm 1713, thi đỗ năm 1754 làm quan tới Đông các học sĩ, Công bộ Hữu thị lang, thầy dạy Bùi Huy Bích - nhà văn học lớn từng giữ chức Hành tham tụng.
Trong lịch sử, Đại Từ không chỉ được dân gian ca ngợi là Đại Từ mẹ nuôi thiên hạ, trong giữ gìn an ninh, đánh đuổi trộm cướp bảo vệ xóm làng và các xã chung quanh người Đại Từ luôn hăng hái đi đầu, lập nhiều công tích được triều đình phong tặng bốn chữ: Đại Từ nghĩa dân.
V
ào thời kỳ đầu xây dựng cuộc sống mới, ở nơi ruộng mật, bờ xôi trải vạn tầm nhân dân Đại Từ đã xây dựng HTX nông nghiệp đầu tiên của ngoại thành Hà Nội. Ngày 12-10-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm nhân dân và cán bộ Đại Từ. Trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2-1983, kỷ niệm lần thứ 25 ngày Bác về thăm Đại Từ, Đảng bộ và nhân dân Đại Từ đã quyết định dựng tượng Bác. Tượng Bác tạc bằng gỗ quý, cao 3 mét. Vẻ mặt Bác hiền từ, đang chăm chú nhìn mấy bông lúa Người cầm trên tay. Tháng 4-1995, để có nơi đặt pho tượng quý, nhà tưởng niệm Bác Hồ đã được dựng, xây nổi trên hồ nước hình vuông trước nhà thọ chỉ. Đỡ cho công trình là các cột bê tông tròn. Mái nhà 2 lớp 8 mái, gắn ngói ta. ở các góc có gắn đầu đao cong. Ba mặt nhà là các cửa lớn, đó đây điểm xuyết phù điêu mây hóa rồng, hoa cúc. Quanh lan can gắn 79 bông hoa sen tạo bằng xi măng trắng.
Cùng với di tích tưởng niệm Bác Hồ, trong hơn 8 năm qua, nhân dân Đại Từ đã đóng góp hàng tỷ đồng tôn tạo chùa Đại Bi, sửa chữa tòa đại bái trong đình làng, dựng lại thọ chỉ, đàn tiên nông, quán Hành Thiện. Dân còn góp tiền tôn tạo giếng nước trước văn chỉ, dựng non bộ trước đình.
Trải qua hai cuộckháng chiến, dấu xưa còn lại ít ỏi trên đất Đại Từ được nhân dân nâng niu gìn giữ. Cây hương bằng đá và tấm bia cổ, văn do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn, đã được xây bệ bảo quản; cây hải đường do cụ Đỗ Minh Đắc trồng năm 1938 thường xuyên được các cụ chăm chút, hằng năm vẫn nở hoa...Hiện nay nhiều nhà ở làng còn giữ được cổng ngõ và từ đường xây theo kiến trúc cổ. Tại nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Chính có ngai thờ và bức họa chân dung ông rất đẹp.
Năm 2002, thể theo nguyện vọng chung của nhân dân, cổng làng phía tây làng Đại Từ, liền kề khu đô thị mới Linh Đàm đã được dựng lại. Năm 2003 dựng tiếp cổng làng phía đông (gần quốc lộ 1). Cổng xây 2 tầng 8 mái, gắn ngói ống, các góc có gắn đầu đao tạo vẻ mềm mại. Trên vòm cổng, phía trong và phía ngoài đắp nổi 4 chữ theo kiểu chữ Nôm và chữ quốc ngữ: Đại Từ nghĩa dân. ở 2 cột cửa chính đắp nổi đôi câu đối của GS Vũ Khiêu:
Chính nghĩa tự ngàn xưa với chữ vua ban càng rực sáng;
Đại Từ thời đổi mới theo lời Bác dạy mãi vươn cao.
Từ xã trở thành phường, từng ngày đi lên hòa nhịp với sự đổi thay của đất nước, làng Đại Từ vẫn giữ được đầy đủ thiết chế văn hóa của làng cổ với dáng vẻ riêng, mai đây chắc chắn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của người Hà Nội.
HNM