Hiệu quả bảo vệ môi trường đạt thấp: Cấp ủy thờ ơ?

Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 10/09/2012

(HNM) - Thiếu vốn đầu tư, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng hạn chế là những nguyên nhân quan trọng khiến khả năng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại Hà Nội còn thấp. Tuy nhiên, khả năng này sẽ tăng lên đáng kể nếu các cấp ủy Đảng quan tâm và tăng cường hành động vì môi trường.


Ngày 21-1-2009, Ban Bí thư TƯ Đảng ban hành Chỉ thị 29-CT/TƯ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) "về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Chỉ thị đã nêu bật vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường. Quán triệt chỉ thị này, ngay từ đầu tháng 3-2009, Quận ủy Hoàn Kiếm đã ban hành thông tri triển khai thực hiện.

Các thành viên tình nguyện xanh thu nhặt rác tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Bá Hoạt

Đây là xuất phát điểm quan trọng giúp Hoàn Kiếm trở thành một trong những địa bàn có nhiều hoạt động vệ sinh, bảo vệ môi trường nhất trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một số phong trào hoạt động có tính chất mới mẻ, tạo được sức hút đối với người dân như "Năm Hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp"; "Một nét văn hóa ứng xử của người dân phố cổ"; tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ký cam kết giữ vệ sinh môi trường; tổ chức mô hình tự quản ở khu dân cư về vệ sinh môi trường… Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, phong trào bảo vệ môi trường không chỉ được UBND quận triển khai tích cực bằng các kế hoạch cụ thể mà còn có sự tham gia đông đảo của các tổ chức đoàn thể và người dân. Hiện nay, Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên ở mỗi khu dân cư đều có một tổ công tác giữ gìn trật tự đô thị - vệ sinh môi trường do trưởng ban công tác mặt trận làm tổ trưởng. 163 tổ công tác trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường, vận động ký cam kết và kiểm tra, nhắc nhở dân cư về vấn đề này. Do vậy, dù Hoàn Kiếm là nơi có mật độ dân cư cao nhất thành phố (946.600 người/km2), lượng xả thải rất cao, nhưng mức độ ảnh hưởng đã được kiềm chế đáng kể nhờ các biện pháp bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm ở quận Hoàn Kiếm cho thấy, nếu chính quyền chủ động giải quyết ô nhiễm môi trường, hiệu quả vẫn đạt được, nhưng không tận dụng hết sức mạnh từ các lực lượng. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng từ quận xuống phường, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành tâm điểm chú ý của cả hệ thống chính trị địa phương. Điều này tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai các biện pháp cụ thể. Đặc biệt, hiệu quả tuyên truyền bảo vệ môi trường cũng nâng cao rõ rệt.

Được biết, thực hiện Chỉ thị 29-CT/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều có văn bản chính thức triển khai thực hiện từ năm 2009. Nhưng hiệu quả không đồng đều và phổ biến là chưa cao, chưa huy động được cả hệ thống chính trị quan tâm, đầu tư thời gian và công sức tương xứng cho công tác bảo vệ môi trường. Điển hình trong số đó là hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường còn nặng về tính hình thức. Tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay. Vì các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề ô nhiễm môi trường thiếu vốn thực hiện và đòi hỏi thời gian dài. Biện pháp tuyên truyền sẽ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Ý thức người dân được nâng lên sẽ hạn chế nguồn phát thải. Đó là gốc của vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân đang ở mức thấp. Trong khi đó, theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Hoàng Long thì sự đầu tư, mối quan tâm của các cấp ủy dành cho giải pháp tuyên truyền chưa tương xứng. Một số ý kiến khác cho rằng, trong các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, các cấp ủy đều đặt giải pháp tuyên truyền lên đầu tiên. Nhưng thực tế triển khai, giải pháp này lại bị xếp sau cùng. Đa số các địa phương vẫn quan tâm nhiều hơn đến các dự án cụ thể có kinh phí đầu tư giải quyết ô nhiễm môi trường. Do vậy, tuyên truyền bảo vệ môi trường vẫn nặng về kỳ, cuộc, chậm đổi mới hình thức và nội dung. Tuyên truyền bảo vệ môi trường lẽ ra phải được thực hiện thường xuyên, gắn bó với đời sống hằng ngày của người dân. Nhưng hiếm có địa phương nào thực hiện được việc này. Một trong những biện pháp hiệu quả là ký cam kết tới từng hộ gia đình chỉ được thực hiện ở một vài nơi. Tuy nhiên, có nơi tổ chức ký cam kết, nhưng việc giám sát, kiểm tra lại chưa được thực hiện, nên cam kết chỉ là để cam kết không phải để thực hiện.

Trước tình trạng này, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội thảo khoa học nhằm kêu gọi sự quan tâm, đầu tư lớn hơn của các cấp ủy trong chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội. Đây là việc làm cần thiết khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô đang ngày càng nhức nhối. Vấn đề bây giờ là nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng các địa phương.

Quốc Bình