Amip ăn não người chỉ xâm nhập qua niêm mạc mũi
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:25, 10/09/2012
Tôi thường xuyên cho con trai đi bơi ở bể bơi công cộng. Theo khuyến cáo của cơ quan y tế sau khi có trường hợp tử vong do Amip ăn não người gây ra thì người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. Xin hỏi con tôi đi bơi nhiều vậy có dễ bị loại Amip này xâm nhập không?
(anh Nguyễn Văn Thanh, Thanh Trì)
Trường hợp tử vong nêu trên được xác định là do loại Amip Nagleria fowleri. Khi nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong lên tới 95%. Loại Amip Nagleria fowleri thường sống tự do ở vùng nước ngọt ấm tự nhiên (khoảng từ 35oC) như ao, hồ, sông, suối. Vì thế, vào mùa hè ở các vùng khí hậu khô nóng, trong đó có nước ta, nhiệt độ nước ao, hồ tăng cao sẽ là môi trường sống thuận lợi của loài Amip này. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, Amip Nagleria fowleri chỉ xâm nhập qua niêm mạc mũi, không qua đường ăn uống nên nếu uống phải nguồn nước có chứa Amip Nagleria fowleri thì Amip này cũng khó thâm nhập được vào cơ thể. Như vậy, nếu không bơi lặn hay bị sặc nước vào mũi thì Amip không thể xâm nhập vào cơ thể, cụ thể là não người.
Trong môi trường nước hồ bơi thường là nước máy có chứa rất nhiều hóa chất tiệt trùng nên Amip khó tồn tại được. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng khi cho con đi bơi ở hồ bơi bảo đảm vệ sinh, thường xuyên được thay nước, sát khuẩn. Còn với những người thường xuyên phải lao động, tiếp xúc với nước ao, hồ thì cần tránh để nước tràn vào mũi bằng cách ngửa mặt lên trên mặt nước hoặc dùng dụng cụ bơi lặn chuyên dụng như kẹp mũi. Nếu thấy các biểu hiện bất thường như sốt cao, mệt mỏi, hôn mê… sau khi bị sặc nước vào mũi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán phát hiện bệnh sớm.