Đau đáu những lo toan
Văn hóa - Ngày đăng : 06:17, 10/09/2012
Dù ở góc độ nào thì những người tham dự hội thảo này đều gặp nhau ở một điểm chung là sự bức thiết phải quan tâm nhiều hơn đến sáng tạo tác phẩm về đề tài lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Phong Lê: "Khi mỗi tấc đất biên cương, mỗi hải lý vùng biển phải được gìn giữ; nói cách khác khi chủ nghĩa yêu nước được xem là "lọ vàng" như Phan Bội Châu từng nói thì văn học về đề tài lịch sử phải đóng vai trò tích cực, hỗ trợ cho các phương tiện giáo dục và sinh hoạt tinh thần của xã hội…".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu thêm thực tế sáng tạo, hư cấu thiếu logic, không xác lập đúng giá trị của sự kiện lịch sử, giai đoạn lịch sử hay nhân vật lịch sử của một số tác phẩm. Chưa kể cách tiếp cận tác phẩm của bạn đọc, của các nhà văn và đặc biệt là của các nhà lý luận, phê bình và của cả những cơ quan quản lý còn những vấn đề phải được trao đổi làm sáng tỏ.
Bức xúc với hàng loạt dẫn chứng về tình trạng "Toàn dân đói sử", "dạy và học sử đáng báo động", nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả hai bộ tiểu thuyết đồ sộ là "Bão táp triều Trần" và "Tám triều Vua Lý" lên tiếng: "Bên cạnh kiến thức lịch sử phổ thông, chỉ có văn chương hóa thì lịch sử mới thấm đượm trong tâm khảm mọi người, trở thành máu thịt, trí tuệ, thành tài sản của đất nước".
Cùng với ý kiến của lớp nhà văn cao tuổi đã xác lập vị trí trên văn đàn thì tiếng nói của người viết trẻ như Lưu Sơn Minh cũng khiến người nghe không thể thờ ơ! Đó là nguy cơ các dấu tích của quá khứ đang dần mai một. Bên cạnh đó, còn có một nỗi day dứt thôi thúc nhà văn cầm bút viết tác phẩm lịch sử, đó là để giải phóng ấn tượng nặng nề của lớp trẻ khi nghĩ về lịch sử chỉ luôn là "bài học và điểm thi"…
Điểm tựa nào cho ngòi bút nhà văn?
Viết như thế nào, đâu là điểm tựa của ngòi bút để nhà văn vững vàng mổ xẻ, tái hiện nhân vật lịch sử, câu chuyện lịch sử cho chân thật mà không khô khan, cho rung động mà không trái với giá trị nguyên bản của sự kiện. Lại vẫn là ý kiến sắc sảo của nhà văn Lưu Sơn Minh: "Quyền hư cấu" bị lạm dụng, không dựa trên hiểu biết sâu sắc về lịch sử ít nhiều đã làm các nhân vật thêm một lần bị hàm oan trên trang sách.
Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải "Nếu như cơ sở nhận thức của nhà văn về lịch sử đã đúng đắn và khoa học thì các tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử của họ không thể sai lịch sử, phản khoa học". Tuy nhiên, theo ông: "Không phải lịch sử có cái gì nhà văn cũng phải nhất nhất tuân theo. Bởi nhà văn là người giải mã lịch sử. Biên độ hư cấu của nhà văn là không giới hạn. Tất nhiên, sự hư cấu trong tác phẩm phải đạt tới các giá trị chân thực của cuộc sống, chứ không cho phép sự tùy tiện, áp đặt theo chủ ý".
Đến đây thì người viết nhớ đến bộ tiểu thuyết "Sông Côn mùa lũ" (NXB Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1998) gồm 4 tập, hơn hai nghìn trang của Nguyễn Mộng Giác được giới chuyên môn đánh giá cao (song như nhiều tác phẩm hay khác, không đến được với đông đảo người đọc). Có thể hiểu được vì sao dưới ngòi bút Nguyễn Mộng Giác Quang Trung - Nguyễn Huệ với đầy đủ những "lo toan trần thế" mà vẫn lớn lao, gần gũi. Nhà văn công khai cho người đọc biết rõ nhân vật nào là hư cấu, nhưng sự giải mã tài tình những chiều kích nhân bản của người anh hùng đã làm cho tác phẩm chạm đến chiều sâu của cái gọi là sự thật lịch sử.
Có thể nói từ bấy lâu nay rồi, trước cuộc hội thảo này, sự thật là không ít nhà văn đã đau đáu với đề tài lịch sử, họ không đợi các cuộc tọa đàm, những dự án đầu tư để viết những tác phẩm rút ruột cả đời mình. Tuy nhiên, còn có một sự thật khác, là số lượng tác phẩm chở theo tinh thần dân tộc này vẫn còn quá ít ỏi. Nhà phê bình Nguyễn Hòa đặt vấn đề tạo điều kiện cho những người viết trẻ đang sáng tạo về đề tài này. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lưu ý tới bầu không khí sáng tạo cởi mở hơn, thông thoáng hơn. Còn Hội Nhà văn Việt Nam thì khẳnh định sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động như bảo vệ quyền sáng tạo của nhà văn, sẵn sàng mua những tác phẩm chất lượng…