Vấn đề là “đi” thế nào trong “hành lang” đã có
Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 09/09/2012
Ảnh: Linh Tâm |
Sẽ đi vào thực tiễn nhanh hơn
- Trong kỳ họp vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút "khai sinh" Luật GDĐH mặc dù ngay những ngày trước đó, tại các hội thảo cũng như trên nhiều diễn đàn, một số người làm công tác giáo dục vẫn cho rằng chưa nên thông qua dự thảo. Đã từng là hiệu trưởng một trường ĐH, nếu bây giờ vẫn ở trên cương vị ấy chứ không phải là ở vị trí người làm luật, ông sẽ vui mừng đón nhận hay cùng chung suy nghĩ trên?
- Vấn đề không phải là ở trên cương vị nào, mà là dù ở vị trí nào, nếu nhận thức rõ mục đích của việc ban hành luật thì sẽ thấy việc sớm ban hành luật tại thời điểm này sẽ góp phần quan trọng điều chỉnh, khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và có tác động tích cực đổi mới hệ thống GDĐH. Dự thảo Luật GDĐH là một trong những dự thảo được bàn thảo rộng rãi và chất lượng được nâng lên rõ rệt qua mỗi lần bổ sung, chỉnh lý. Dẫu chưa thực sự thỏa mãn nhưng có thể nói, dự thảo luật đã cơ bản phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi. Có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện, nhưng nếu tiếp tục lùi việc ban hành luật thì sẽ không đáp ứng được đòi hỏi của hệ thống GDĐH hiện nay.
- Thực tiễn GDĐH đang đòi hỏi một cách bức thiết phải có hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh, bởi Luật Giáo dục hiện hành mới chỉ có 6 điều dành cho GDĐH mà chỉ là những quy định chung mang tính nguyên tắc, và GDĐH hiện đang điều chỉnh chủ yếu bằng các văn bản dưới luật. Nhưng có ý kiến cho rằng, việc luật hóa tất cả nội dung nằm ở văn bản dưới luật vẫn không đủ để xây được hành lang pháp lý vững chắc cho GDĐH?
- Luật GDĐH không chỉ nhằm mục tiêu luật hóa các văn bản dưới luật hiện đang điều chỉnh GDĐH như các thông tư, điều lệ nhà trường mà còn có những mục đích lớn hơn là thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm mối tương quan giữa quy mô và chất lượng với quy mô đến năm 2020: tỷ lệ sinh viên ĐH, CĐ trên một vạn dân là 350 đến 400; 60% giảng viên CĐ và 100% giảng viên ĐH có trình độ thạc sĩ; 8% giảng viên CĐ và 25% giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ; 100% giảng viên CĐ và ĐH sử dụng thành thạo một ngoại ngữ để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Còn với những quy định trong các văn bản dưới luật về tổ chức, tài chính tài sản, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… thì cũng chỉ luật hóa những gì đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có tính ổn định. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Luật GDĐH gồm 12 chương, 73 điều đã tập trung vào một số nhóm vấn đề căn bản như mô hình hệ thống, mô hình trường, phân tầng, xếp hạng; hoạt động của nhà trường, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo; kiểm định và bảo đảm chất lượng... Nói chung, hầu hết vấn đề lớn của GDĐH đã được đề cập trong luật và với sự ra đời của một luật chuyên ngành, GDĐH sẽ có điều kiện để phát triển.
- Ông khẳng định như vậy có quá lạc quan không, khi mà tiến độ xây dựng các văn bản dưới luật - điều kiện tiên quyết để luật đi vào thực tiễn - lâu nay vẫn trong tình trạng… chậm như rùa?
- Đúng là trên thực tế quá trình xây dựng các văn bản dưới luật để các điều luật đi được vào thực tiễn còn quá chậm. Ngay như Luật Giáo dục, sau một vài lần sửa đổi bổ sung rồi nhưng đến nay vẫn còn "nợ" một số văn bản hướng dẫn. Bởi vậy, với Luật GDĐH lần này, Chính phủ chỉ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong luật. Các điều, khoản còn lại sẽ tự động có hiệu lực khi luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở GDĐH, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm thực hiện từ ngày 1-1-2013. Điều này sẽ giúp cho luật sớm đi vào cuộc sống, nhưng tôi cũng cho rằng, phải mất vài năm các thông tư hướng dẫn mới có thể được ban hành. Trách nhiệm này thuộc Chính phủ, mà cụ thể là cơ quan quản lý nhà nước thuộc Chính phủ là Bộ GD-ĐT.
- Vậy cụ thể những điều khoản quan trọng nào còn phải chờ thông tư hướng dẫn, thưa ông?
- Đó là phân tầng giáo dục mà nhiệm vụ Chính phủ được giao là quy định tiêu chuẩn của từng tầng cơ sở GDĐH, ban hành khung xếp hạng các cơ sở GDĐH và tiêu chuẩn từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách. Chính phủ cũng phải quy định cụ thể điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường ĐH, học viện và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Một văn bản dưới luật quan trọng và mới cần xây dựng để thực hiện Luật GDĐH là ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH; quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH. Chuẩn quốc gia sẽ là căn cứ quyết định để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ đầy đủ trong mọi hoạt động của mình.
Muốn tự chủ phải đạt chuẩn quốc gia
- Tự chủ là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất trong quá trình xây dựng luật. Được tự chủ là điều mà các nhà trường đang mong mỏi. Nhưng như ông vừa nói thì các trường muốn tự chủ phải đạt chuẩn quốc gia mà chuẩn thì phải chờ Bộ GD-ĐT xây dựng tiêu chí. Có nghĩa là điệp khúc chờ đợi vẫn chưa kết thúc !
- Đúng là các cơ sở GDĐH phải chờ đợi thêm một thời gian nữa. Tự chủ ĐH là một khái niệm rộng và lẽ ra khi cơ sở được thành lập có nghĩa là được quyền tự chủ trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, ở nước ta, do điều kiện cụ thể, số lượng cơ sở GDĐH lớn, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, có trường có thâm niên hàng trăm năm nhưng có trường mới thành lập, điều kiện về mọi mặt có sự chênh lệch lớn, nếu cứ thành lập mà được tự chủ hoàn toàn sẽ rất khó khăn cho quản lý nhà nước. Bởi vậy, sau rất nhiều tranh luận, trao đổi, việc thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH sẽ phải căn cứ trên chuẩn quốc gia. Theo tôi, sau khi luật có hiệu lực thi hành thì không thể để quá 1 năm là phải có nghị định về vấn đề này.
- Như ông nói thì các trường cũng thấy tương lai được tự chủ, dù tương lai ấy xa hay gần tùy thuộc vào Bộ GD-ĐT. Thực ra, Bộ GD-ĐT cũng đã có kinh nghiệm xây dựng tiêu chí trường chuẩn quốc gia ở bậc phổ thông, nhưng kinh nghiệm ấy cũng khó mà áp dụng để xây dựng chuẩn quốc gia cho các trường ĐH. Các trường ĐH rất khác nhau về mọi mặt, liệu đo chúng bằng một cái thước chung là chuẩn quốc gia có khả thi hay lại phải "gọt chân cho vừa giày", thưa ông?
- Dù có khác nhau thì đã là trường ĐH đều phải có những điều kiện cơ bản, ví dụ bộ máy quản lý, đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo... Chuẩn quốc gia sẽ phải bao gồm những tiêu chí cơ bản phụ thuộc vào vai trò, vị trí, quy mô ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo, kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả kiểm định chất lượng, uy tín, bề dày... Khi đã có bộ tiêu chí, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào đó để xác định trường nào đạt chuẩn, trường nào chưa đạt, và Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất chịu trách nhiệm về việc này. Như vậy, quyền tự chủ của mỗi trường sẽ phụ thuộc vào chính năng lực của từng đơn vị. Và việc thực hiện quyền tự chủ sẽ có lộ trình, nơi nào đủ khả năng tự chủ đến đâu sẽ được thực hiện đến đấy... Tuy nhiên, có những quyền và chức năng mà bất cứ cơ sở GDĐH nào cũng được tự chủ ngay khi luật có hiệu lực như xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, cấp phát văn bằng... Trong luật đã ghi tương đối cụ thể về các quyền mà các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động tổ chức, đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, quản lý tài chính tài sản, bảo đảm chất lượng... Có thể nói tự chủ đã được coi là thuộc tính của trường ĐH.
- Đã coi tự chủ là thuộc tính của cơ sở đào tạo thì tại sao vẫn có những việc lẽ ra là của nhà trường mà Bộ GD-ĐT vẫn "ôm", ví như quy định về việc mở ngành chẳng hạn? Có nhiều hiệu trưởng nói rằng, sở dĩ Bộ GD-ĐT, đơn vị xây dựng dự thảo muốn giữ quyền này để còn "xin-cho", mặc dầu, chuyên ngành đào tạo của các trường rất đa dạng mà chuyên viên của Bộ không đủ trình độ để thẩm tra.
- Đúng ra thì các trường ĐH phải được tự chủ hoàn toàn về học thuật, trong đó có việc mở ngành đào tạo. Theo Luật GDĐH, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường về đào tạo là tương đối toàn diện: tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ; phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ, thực hiện quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo theo niên chế hoặc học chế tín chỉ; tự chủ về bảo đảm chất lượng, cấp phát văn bằng... Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, riêng việc mở ngành vẫn sẽ phải do Bộ GD-ĐT quản lý vì để bảo đảm tương quan giữa quy mô đào tạo của các ngành với nhu cầu nguồn nhân lực mà nền kinh tế quốc dân đòi hỏi và điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo thì cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý. Có như vậy mới tránh được tình trạng, ví dụ quá nhiều cơ sở đào tạo ngành tài chính ngân hàng, trong khi những ngành rất cần cho sự phát triển kinh tế, xã hội như cơ khí, luyện kim.. thì lại rất ít cơ sở giáo dục đại học xin đào tạo. Quy định này vừa bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước, vừa tuân theo quy luật khách quan và cũng không bỏ qua nguyện vọng của người học.
- Lâu nay Bộ GD-ĐT vẫn làm việc này nhưng rõ ràng sự mất cân đối vẫn tồn tại!
- Đúng thế, nhưng trong giai đoạn hiện nay nếu không quản lý thì còn mất cân đối hơn.
- Xin được trở lại một vấn đề chuẩn quốc gia. Rõ ràng, trong các tiêu chí để đánh giá cơ sở GD-ĐH nào đạt chuẩn, nơi nào không, ngoài những tiêu chí "cứng" không nhiều ý nghĩa đối với chất lượng và uy tín, có một căn cứ có vẻ khoa học hơn là kết quả kiểm định. Nhưng liệu chúng ta có thể hy vọng gì nhiều vào công cụ này khi cho đến nay sau 8 năm ra đời, Bộ GD-ĐT vẫn coi kết quả kiểm định là "bí mật", thưa ông?
- Kết quả kiểm định là một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng giáo dục, một căn cứ quan trọng xác định vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH; để phân tầng cơ sở GDĐH; để xác định quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH; và còn là căn cứ để Nhà nước hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở GDĐH. Từ năm 2004, Bộ GD-ĐT đã ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường ĐH. Từ năm 2007 đã điều chỉnh lại thành bộ tiêu chuẩn có 61 tiêu chí bao quát toàn bộ các hoạt động của các học viện, trường ĐH. Đến nay đã có 200 trường ĐH và CĐ, 100 chương trình đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 40 trường ĐH và 4 chương trình đã được thí điểm đánh giá ngoài. Việc thành lập và tổ chức, điều hành các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là những công việc còn rất mới đối với nước ta. Nhưng theo luật vừa ban hành thì các cơ sở GDĐH phải thực hiện kiểm định chất lượng. Bộ phải xây dựng tiêu chí kiểm định thế nào vừa tiên tiến vừa phù hợp điều kiện Việt Nam. Có một điểm khác căn bản về hoạt động kiểm định theo quy định của Luật GDĐH là cho phép thành lập các trung tâm kiểm định độc lập và kết quả kiểm định phải được công khai cho xã hội và người học biết về thực trạng chất lượng đào tạo, làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở GDĐH, chương trình đào tạo và người sử dụng lao động tuyển chọn nhân lực. Như vậy là, những năm tới đây, nếu cơ sở GDĐH được kiểm định, dù muốn hay không thì kết quả kiểm định sẽ không thể là "bí mật" của các nhà trường cũng như của đơn vị kiểm định nữa mà nó sẽ được công khai để minh bạch hóa hoạt động GD-ĐT.
- Qua những gì ông vừa trao đổi, có thể thấy sự hài lòng về Luật GDĐH!
- Không hẳn đã hoàn toàn hài lòng bởi có những vấn đề căn bản của GDĐH chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Nhưng thực tiễn không thể chờ và chúng ta phải chấp nhận một thực tế các văn bản luật đều phải sửa đổi sau một số năm có hiệu lực. Luật GDĐH không phải là ngoại lệ dù nó được kỳ vọng là hành lang pháp lý để GDĐH nước nhà được đổi mới căn bản và toàn diện.
- Xin cảm ơn ông!