Vắt kiệt tài nguyên, tổn hại môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 05:07, 08/09/2012

(HNM) - Có đến hơn 1.000 loại văn bản quy phạm từ TƯ đến địa phương nhằm quản lý tài nguyên khoáng sản và mỗi tỉnh, thành có kiểu cấp phép khác nhau. Hậu quả không hay xảy ra, địa phương ít chịu nhận lỗi mà thường đổ cho chủ đầu tư hoặc đơn vị khai thác.

Từ khi có Luật Khoáng sản năm 1996, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 217 văn bản quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp khai thác khoáng sản xin giấy phép đầu tư vào lĩnh vực này, họ còn phải trải qua rất nhiều tầng nấc trong số 691 văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND cấp tỉnh. Các yêu cầu, chỉ thị này chưa nói đến hiệu quả quản lý thực tế, chỉ xét hình thức ban hành đã bị đoàn giám sát đánh giá "Có trường hợp mang tính chất cục bộ, làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của đất nước. Một số văn bản khác lại chưa thật sự chặt chẽ".


Cần siết chặt việc quản lý, khai thác khoáng sản để bảo vệ nguồn tài nguyên cho đất nước. Ảnh: TTXVN

Đơn cử, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương và gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị không xuất khẩu khoáng sản thô và quặng tinh đối với một số loại khoáng sản nhưng trong thực tế vẫn còn tình trạng xuất khẩu, mua bán trái phép khoáng sản ở dạng nguyên liệu thô, quặng tinh. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít. Nếu có thì cũng là những công trình đơn giản, không có giá trị cao về mặt kinh tế. Hay có tỉnh ban hành đến 95 văn bản quản lý như Đồng Nai nhưng hằng đêm, "cát tặc" vẫn sử dụng máy hút cát với công suất lớn tại TP Biên Hòa. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng hoặc đánh chìm ghe, thuyền xuống dòng sông để tẩu thoát. Với 37 văn bản cấp tỉnh ở Lâm Đồng, đây vẫn là địa chỉ chưa quan tâm đúng mức tới xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hoàn nguyên trong lĩnh vực này.

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh cho địa phương là chủ trương hợp lý. Nhưng thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, vô hình trung đã tạo điều kiện cho một số tỉnh, thành phố dễ dãi trong việc cấp phép. Hậu quả, có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng thực hiện trái quy định của pháp luật, cấp phép khai thác, kinh doanh chồng lên cả quy hoạch của TƯ. Nhiều xét duyệt không đúng đối tượng, một số đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến khoáng sản thì không được cấp giấy phép. Còn không ít tổ chức, cá nhân không hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, không có nhân lực và trang thiết bị thì lại được hưởng ưu đãi, đã dẫn đến tình trạng chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản. Từ năm 2007 đến tháng 7-2012, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 4.142 vụ vi phạm hành chính. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 xử lý 2.117 vụ, phạt 21,7 tỷ đồng. Báo cáo giám sát cũng cho biết, 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Áp thuế tùy tiện

Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chênh lệch mức thu thuế tài nguyên của các loại khoáng sản từ mức thấp đến cao là quá xa. Cụ thể, than 4-20%, dầu thô 4-40%, đất hiếm 12-25%, kim loại 7-25%, phi kim 3-15% đã dẫn đến việc áp dụng tùy tiện. Hơn nữa, việc tính thuế khoáng sản do đơn vị khai thác tự báo nên số lượng khai để nộp thuế không thể có con số chuẩn, dẫn đến tình trạng thất thoát về tài nguyên không thể đo đếm. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến cảnh báo việc phát triển nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản đã kéo theo những tổn hại về môi trường, nhưng lại không tạo được nhiều việc làm cho người lao động và phát triển công nghiệp địa phương... Ngoài ra, còn gây nhiều hậu quả đau lòng như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Nghệ An; sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên) cách đây chưa lâu. Có thể thấy đó là hậu quả của tính đồng bộ và tính triệt để của các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đạt yêu cầu.

Thế nhưng, trong báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ngoài việc chỉ ra 302/691 văn bản thuộc thẩm quyền, đã không nêu rõ hàng trăm văn bản còn lại có trái luật hay không? Phần kiến nghị có nêu: Cần chấn chỉnh tình trạng dễ dãi trong công tác cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Nhưng chấn chỉnh ai, chủ thể nào không được dễ dãi lại không nêu rõ. Ngay cả dữ liệu trên 3.000 giấy phép khai thác khoáng sản trong 3 năm qua các địa phương đã cấp đúng, sai thế nào cũng chưa nêu cụ thể... Theo chương trình, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII (dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới) báo cáo giám sát về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sẽ được các đại biểu Quốc hội đánh giá, thảo luận. Đây là nội dung dư luận mong đoàn giám sát "chỉ mặt, điểm tên".
Hà Phong