Chênh vênh… quản lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:04, 08/09/2012
Câu chuyện này làm dư luận nhớ tới sự việc xảy ra cách đây chưa lâu, khi Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị tổ chức lễ công bố kết luận thanh tra việc sử dụng vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội với những con số đáng ngại về các vi phạm trong công tác quản lý. Ngay lập tức Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã "phản pháo", cho rằng kết luận không đúng khiến Bộ Giao thông Vận tải phải ngừng việc công bố, đến nay vẫn chưa biết số phận của văn bản này như thế nào.
Cũng gần giống như vậy, mới đây, chỉ trong vòng hai tuần, dư luận liên tiếp bất ngờ về hai văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về công tác quản lý thực phẩm từ gia súc, gia cầm.
Cùng thời gian đó, một văn bản của Bộ Công an thay đổi về mẫu chứng minh nhân dân đều có những điểm không sát thực, thiếu khả thi và thậm chí là trái luật. Đáng tiếc, đây mới chỉ là một phần rất nhỏ của thực trạng ban hành chính sách vội vàng, thiếu thực tế của các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Có cảm giác như với một số người (hoặc cơ quan) quản lý được giao trách nhiệm nhưng chỉ làm cho có, hoặc chỉ nhăm nhăm tính cái lợi, cái dễ cho ngành mình, có khi chỉ là làm để báo cáo, để hoàn thành nghĩa vụ trước cấp trên, hơn là tính đến những lợi ích xã hội, mặc kệ xã hội nhìn nhận thế nào, bị ảnh hưởng, thậm chí thiệt hại như thế nào. Đơn cử như Thông tư số 34 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những quy định về bảo quản, kinh doanh trứng gia cầm mà nếu được áp dụng thì có lẽ 100% các cơ sở sẽ chỉ còn nước đóng cửa…?
Trở lại câu chuyện nợ thuế xăng dầu hay việc sử dụng vỉa hè nói trên, ai đúng, ai sai trong những chuyện này rồi sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Song dù thế nào thì chắc chắn cũng phải có một bên sai và bất luận là bên nào thì câu chuyện "ông nói gà, bà nói vịt" thế này cũng đặt ra những vấn đề cần bàn trong công tác quản lý hiện nay. Một văn bản được ban hành không sát thực tế, không chỉ đơn giản làm lãng phí đầu tư nghiên cứu mà còn có thể gây lãng phí ghê gớm chi phí xã hội, đồng thời tác động xấu đến đời sống, gây bức xúc và thiếu thuyết phục trong nhân dân. Một kế hoạch được lập vội, một dự án không khả thi sẽ vừa không mang lại hiệu quả xã hội, thậm chí còn gây tác động xấu tới đời sống tâm lý, làm mất niềm tin trong nhân dân. Vẫn biết có những lĩnh vực thì việc ban hành văn bản sẽ như một sự "đánh động" mang tính định hướng, thế nhưng nếu sự đánh động ấy vượt xa tính thực tế thì chắc chắn sẽ gây tác dụng ngược. Một bản báo cáo nếu nội dung không đúng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, hoạch định chính sách và khiến người dân nghi ngờ vào tính hiệu quả của bộ máy chính quyền.
Cơ quan chuyên trách nhưng lại không nắm được việc mình làm, không kiểm soát được những thông tin mình đưa ra thì thật khó có thể chấp nhận. Thiết nghĩ, việc các quy định của luật, các kết luận của cơ quan chức năng phải được xác minh, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành. Khi văn bản được truyền đạt tới tay người dân rồi thì phải có phương án thực hiện nghiêm túc thì mới có tác dụng thi hành và đi vào cuộc sống. Chỉ cần một sự vội vã, một chút kiểm tra thiếu chặt chẽ, ban hành văn bản rồi, đưa ra kết luận rồi lại để rơi vào im lặng hoặc "ngủ quên" trên bàn giấy sẽ chỉ làm cho pháp luật mất hiệu lực. Lúc ấy, người dân sẽ phải chênh vênh, mơ hồ chạy theo cơ quan quản lý. Hiểu đơn giản là, một khi nhận thức trách nhiệm, tư duy quản lý còn như thế, thì người dân khó có thể hy vọng quyền lợi của mình được bảo đảm, thậm chí họ không có cơ hội để thực thi nghĩa vụ…