Chật vật chống “bão” (tiếp theo và hết)

Giới trẻ - Ngày đăng : 04:43, 08/09/2012

(HNM) - Tại Hà Nội, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động là 7.745, trong đó hơn 1.000 DN giải thể và chờ làm thủ tục giải thể, gần 6.000 DN bỏ kinh doanh; 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động do gặp khó khăn hoặc đang tìm địa điểm kinh doanh khác; 12 DN bỏ địa điểm kinh doanh; 7 DN đã giải thể với số vốn đầu tư 1,42 triệu USD…


DN của ông này sau khi không thể tồn tại được ở Hà Nội đã phải chuyển trụ sở về Bắc Giang nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc này đã khiến hàng chục công nhân ở Hà Nội phải chịu cảnh thất nghiệp.


Cả doanh nghiệp và người lao động đều đang phải gồng mình chống chọi với những tác động từ suy giảm kinh tế. Ảnh: Đàm Duy

Tìm mọi cách... cầm cự

Giám đốc một công ty chuyên về san lấp nền móng cho rằng, hiện tại nền kinh tế chung gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn của nhau khá phổ biến. Đơn vị nào xoay xở được cũng chỉ trong tình trạng cầm cự, không thì phá sản, ngừng hoạt động là khó tránh khỏi. Giám đốc này dẫn chứng, hiện tại nhiều hạng mục công trình do công ty ký kết với đối tác đều bị nợ đọng vốn, với số tiền lên đến cả chục tỷ đồng. Trong khi đó, một số đơn vị thi công lại phản ánh, có những công trình bị chủ đầu tư nợ đọng vốn nên không thể thanh toán được cho đối tác. Chính sự lòng vòng này khiến nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người lao động.

Trong khi DN "xoay" mọi cách để chống chọi với "cơn bão suy thoái” thì Chính phủ đã đưa ra một số chính sách kịp thời hỗ trợ DN. Mới đây nhất là gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho các DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, động thái này của Chính phủ theo nhiều DN là chưa đủ mạnh. Ông Lê Hữu Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại công nghệ vận tải Hùng Duy cho rằng, có hỗ trợ là rất cần, rất tốt, song nếu không khéo lại tạo cơ hội cho các DN xài phung phí. Trên thực tế, có DN vốn điều lệ chưa đến 10 tỷ đồng, thuộc diện được hỗ trợ, nhưng thay vì đầu tư phục hồi sản xuất, DN đã dùng số tiền đó mua ô tô xịn, chi tiêu phung phí. Trong khi đó, nhiều DN lớn thắt lưng buộc bụng, chấp nhận lợi nhuận thấp đi hoặc thua lỗ, lại không thuộc diện được hỗ trợ. Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty Giày B.Q, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng than: Tôi thấy từ năm 2008 đến nay có khoảng 30% DN "chết lâm sàng" rồi. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ như... thuốc bổ, trong khi cơ thể nền kinh tế đang bị bệnh nặng rất cần kháng sinh cực mạnh, vì thế nếu không có quyết sách mạnh thì DN khó vẫn hoàn khó.

DN khó khăn, có thể phải sa thải nhiều lao động, thậm chí là phá sản, do vậy người lao động đã khó lại càng khó hơn. Thậm chí, việc tăng lương để bảo đảm được cuộc sống cho người lao động là điều khó xảy ra. Trong khi đó, một số DN tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Chính phủ, phần lớn họ không dành để trả lương cho công nhân mà chỉ lo đầu tư tái thiết DN, trả lãi ngân hàng hoặc trả nợ nguyên vật liệu…

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần HPQ Việt Nam chuyên về lĩnh vực dây cáp và thiết bị điện cho biết, nếu khó khăn quá DN sẽ phải tính đến phương án cắt giảm lao động, giảm lương chứ không thể đi vay lãi để trả lương trong khi chưa thể xác định được bao giờ sẽ hết khủng hoảng. Chính phủ đương nhiên muốn trợ giúp DN, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc DN quản lý kém, làm ăn thua lỗ, phá sản vì không đủ sức đối phó với khủng hoảng là chuyện khó tránh khỏi. DN phải tự cứu mình bằng cách cân đối lại hoạt động, sắp xếp lại phương án sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, sắp xếp lại lao động. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý lại đánh giá, chi phí về lương và dù có tăng lương cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến DN. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đời sống khó khăn, tiền lương không đủ để tái tạo sức lao động, dẫn đến tình trạng lao động "chân ngoài dài hơn chân trong", hiệu quả công việc theo đó sẽ giảm mạnh. Theo tính toán của ông Huân, một lao động ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, để sống được phải cần từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng mới tạm đủ chi phí tối thiểu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, để lo đủ mức lương tối thiểu là tốt lắm rồi, khó có DN nào trả lương cho công nhân ở mức đó, lại càng khó có chuyện DN vay tiền Chính phủ để trả lương.

Đón chờ sự hỗ trợ từ chính sách, hàng trăm DN đã có ý kiến gửi về Sở Công thương, chủ yếu tập trung vào 3 vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ là vốn, thuế và nhân công. Theo ông Bùi Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội: "Trong quý I năm 2012 hầu hết các DN đều gặp khó khăn và sang quý II, tình hình khó khăn có xu hướng lan rộng ra. Ngoài vấn đề về nguồn nguyên liệu tăng, tiếp cận nguồn vốn khó khăn, chúng tôi còn gặp vấn đề về nguồn lao động. Bắt đầu từ tháng 5, công ty thiếu khoảng 200-300 lao động mặc dù tuyển dụng thường xuyên".

Đợi được "đại phẫu"

TS Nguyễn Văn Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng, bất cứ nền kinh tế nào, khi chống lạm phát đều phải dùng giải pháp lãi suất cao, lạm phát càng nặng thì lãi suất càng cao và lãi suất cao tất yếu sẽ gây khó khăn cho DN. Những DN càng phụ thuộc vào vốn tín dụng thì càng khốn đốn trong sản xuất kinh doanh. DN nhỏ và vừa là những DN có năng lực tài chính thấp nên gặp lạm phát và lãi suất cao thì bài toán về vốn cực kỳ nan giải, có nguy cơ phải ngừng sản xuất, giải thể, phá sản cao. Ông Nam cũng cho rằng, lạm phát cao sẽ còn kéo dài, DN nhỏ và vừa sẽ ngày càng đuối sức. Nếu bỏ sản xuất thì hết tồn tại, nhưng nếu cứ sản xuất mà chịu lãi suất cao tất dẫn đến không chịu nổi, sẽ thua lỗ và phá sản. Sở dĩ nền kinh tế của ta chưa bị tác động lớn là do có tới 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề cùng DN nhỏ và vừa đã từng được tiếp sức. Thế nhưng hiện nay, các DN này đã không còn tiếp cận được vốn ngân hàng, thuế không được giảm, chi phí đầu vào tăng, nên nhiều DN lâm vào cảnh khốn đốn. Con số phá sản giải thể, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế không chỉ là hơn 50.000 DN mà thực tế còn lớn hơn nhiều, có thể chiếm tới trên 30% số DN nhỏ và vừa. Và đương nhiên, khi DN phải gồng mình chống chọi với vô vàn khó khăn thì người lao động rơi vào cảnh khốn khó là điều khó tránh khỏi.

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê mới công bố, hiện có 6 yếu tố đang cản trở sản xuất của DN là lãi suất quá cao (27,2%), lạm phát cao và thất thường (19,5%), khả năng tiếp cận vốn khó (17,4%), chi phí vận tải cao (9,7%), điện cung cấp không ổn định (7%) và chính sách điều tiết kinh tế không ổn định (7%). Bên cạnh đó, 31,7% DN được khảo sát cho biết dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, 13% giảm quy mô lao động, 10% cắt giảm vốn và có tới 25,5% lường trước giảm doanh thu, 27,9% giảm lợi nhuận...

Mặc dù đã "chẩn" được "bệnh" nhưng nếu chưa được "đại phẫu" thì nền kinh tế sẽ còn gặp khó khăn và DN cũng như người lao động sẽ vẫn phải chật vật chống chọi với cơn bão suy thoái kinh tế.

Ngọc Hải - Kiều Oanh