Làng Phú Gia
Xã hội - Ngày đăng : 13:45, 16/04/2004
Làng Phú Gia, tên Nôm là làng Gạ, cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn là một xã thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, trấn Sơn Tây (từ 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, đầu thế kỷ XX trực thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông). Năm 1956, Phú Gia thuộc xã Phú Thượng (gồm các làng Phú Gia, Phú Xá, Thượng Thuỵ) thuộc quận V, năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm, từ tháng 9 - 1997, xã Phú Thượng trở thành một phường của quận Tây Hồ.
Theo thần tích lưu ở đình thì Phú Gia xưa có tên là khi nhà Đưòng đô hộ nước ta, đổi làm An Dưỡng phường. Khi đó, có tên Thứ sử Lư Anh đóng tại đây, một đêm nằm mộng thấy một người đường bệ, áo mũ chỉnh tề, xưng là người quản lĩnh dân địa phương, bèn lập đền thờ. Làng còn có tên là Bà Già hương, nguyên do, vào thời Lý, Lý Thánh Tông đã đưa một số tù bình Chiêm Thành đến đây và đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi chệch là Bà Già. Chùa của làng cũng gọi kà chùa Bà Già. Thời Trần, Trần Nhật Duật từng cưỡi voi đến Bà Già hương nói chuyện với sư trụ trì ở đây. Tục truyền, họ Công (Ông) của làng này có nguồn gốc là người Chăm. Đến thời Trần, niên hiệu Thiệu Long (1258 - 1272), An Dưỡng phường đổi thành xã Phú Gia.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Phú Gia là làng đông dân, có đến 2527 người, vì thế có câu ‘’Đinh Phú Gia, điền Phú Mỹ’’, song làng lại có rất ít ruộng (515 mẫu), bình quân mỗi người chưa được hai sào. Phần lớn đồng ruộng chỉ cấy được một vụ mùa, nên dân làng phải kiếm sốngthêm bằng các việc vớt củi trên sông Hồng, bổ củi thuê, làm các loại bánh.
Phú Gia còn có ngôi miếu thờ 6 cái gậy; gọi là miếu Lục Tôn, tương truyền là thờ 6 người của làng đã nổi dậy chống lại triều đình phong kiến phản động (không rõ thời).
Phú Gia có Ông Nghĩa Đạt đỗ Bảng nhãn khoa ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức, đời Lê Thánh Tông (1475), làm quan đến Phó Đô Ngự sử, được cử đi sứ sang nhà Minh. Ông còn có công chiêu dân khai hoang, mở rộng làng ra khu vực giáp Quán La hiện nay, được dân làng thờ ở đình. Con cháu về sau có đến 9 người đỗ Hương cống, Cử nhân. Thời Tự Đức (1848 - 1883), họ Ông được đổi thành họ Công.
Phú Gia sớm có truyền thống cách mạng. Từ năm 1941, nhà bà Hai Vẽ là cơ sở hoạt động của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và gần 20 ủy viên Trung ương Đảng. Từ giữa năm 1942, Phú Gia là một điểm trong An toàn khu của Trung ương, là nơi đặt co quan in báo Cờ giải phóng, nơi đồng chí Trường Chinh khởi thảo ‘’Bản Đề cương văn hóa Việt Nam’. Tám gia đình có công nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng đã được tặng ‘’Bằng Có công với nước’’. Phú Gia có vinh dự lớn là ngày 24 - 8 - 1945 được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về ở (tại nhà ông Công Ngọc Kha) trước khi Người vào nội thành lo tính những công việc lớn của đất nước trong những ngày đầu Cách mạng thành công.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, Phú Gia có 92 người con hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Ngày nay, Phú Gia đang đổi thay mạnh mẽ trên con đường chuyển từ một làng nông nghiệp thành làng đô thị ở phía Bắc Thủ đô, có nghề trồng quất, trồng đào rất phát đạt.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính