Đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương và thay đổi họ tên
Xã hội - Ngày đăng : 06:46, 07/09/2012
Tôi đang công tác và cư trú tại quận Hà Đông (Hà Nội), thường trú tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Do yêu cầu công việc, tôi muốn cắt tên khỏi hộ khẩu tại tỉnh Hòa Bình, nhập khẩu về Hà Nội và chủ hộ chỗ tôi đang ở đã đồng ý cho tôi nhập khẩu. Vậy thủ tục cắt, nhập khẩu được pháp luật quy định như thế nào? Vì lý do riêng, tôi muốn thay đổi họ tên, thì quyền thay đổi họ tên và cơ quan nào có thể giải quyết được việc này?
Dương Thị Thơ (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông)
Luật gia Hoàng Xuân Hiến, (ĐT: 0983.351.928; email: hoangxuanhienqo @gmail.com) trả lời:
Câu hỏi của chị Dương Thị Thơ có hai nội dung:
- Thứ nhất, về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, theo khoản 1, Điều 20, Luật Cư trú quy định: "Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Về thủ tục, thì Điều 21, Luật Cư trú quy định, đối với trường hợp của chị Thơ phải liên hệ tới công an quận nơi chị đang ở để nộp hồ sơ.
Hồ sơ đăng ký thường trú, gồm: a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của luật này; c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của luật này.
- Thứ hai, về quyền thay đổi họ tên, được quy định tại Điều 27, Bộ luật Dân sự như sau:
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp: a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; b) Theo yều cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại; đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính; g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín (9) tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
Như vậy, nếu chị Thơ muốn thay đổi họ tên thì lý do riêng của chị phải chính đáng (phù hợp với quy định của pháp luật). Cơ quan có thẩm quyền thay đổi trong trường hợp của chị là UBND quận, huyện nơi chị đăng ký khai sinh trước đây.