Giải “bài toán” nguồn lực tại các xã điểm
Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 07/09/2012
Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 3.191.599 triệu đồng (ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp 477.557 triệu đồng, vốn lồng ghép 1.145.662 triệu đồng; ngân sách các huyện 828.163 triệu đồng; ngân sách các xã 740.217 triệu đồng); vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình 514.612 triệu đồng; đóng góp tự nguyện của nhân dân 399.043 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước đối với các xã điểm xây dựng NTM còn khoảng trên 50% tổng nhu cầu vốn theo đề án được duyệt là "bài toán khó" chưa có lời giải.
Đường làng, ngõ xóm tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã được nâng cấp, giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Thái Hiền |
Tính bình quân, mỗi xã điểm xây dựng NTM cần khoảng 235 tỷ đồng. Đến nay, phần vốn ngân sách thành phố Hà Nội đã hỗ trợ trực tiếp cho các xã thông qua ngân sách huyện, thị xã là gần 500 tỷ đồng, bảo đảm đủ 100% theo đề án UBND thành phố phê duyệt. Nguồn vốn của ngân sách huyện, thị xã mới bố trí hỗ trợ được một phần, doanh nghiệp và hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư một số dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, cải tạo nhà ở, công trình vệ sinh... nguồn ngân sách xã chưa có để hỗ trợ do chưa thực hiện được dự án đấu giá đất, xử lý đất xen kẹt. Vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, nhiệm vụ của thành phố Hà Nội hầu hết các xã đang vướng mắc, lúng túng về thủ tục hồ sơ đăng ký nhu cầu vốn, nơi tiếp nhận và xử lý, giải quyết việc bố trí kế hoạch vốn thực hiện các dự án thành phần thuộc đề án đã được phê duyệt... Tính đến cuối tháng 6-2012, sau hơn một năm triển khai thực hiện: Tổng giá trị khối lượng đã thực hiện của 19 xã điểm là 1.480.693 triệu đồng, so với đề án được duyệt mới hoàn thành được 34,2%; tổng kinh phí đã giải ngân thanh toán là 1.058.177 triệu đồng (đạt 71,5% khối lượng thực hiện). Nguồn lực cho xây dựng NTM tại các xã điểm của Hà Nội đang gặp khó khăn khi nguồn thu từ đấu giá đất tại cơ sở đóng băng.
Nhằm phát huy tính chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở huyện, xã và các thôn, làng trong việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương và huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án, chương trình, nhiệm vụ trong đề án xây dựng NTM tại các xã điểm, UBND thành phố Hà Nội giao cho các sở, ngành tham mưu nghiên cứu đề xuất trình UBND thành phố ban hành quy định về "Cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực thực hiện đề án xây dựng NTM". Cùng với đó, UBND thành phố cũng đã ban hành "Quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016" theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 với mục tiêu nhằm tạo ra cơ chế tài chính để triển khai thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 21-4-2010 của HĐND thành phố về xây dựng NTM Hà Nội giai đoạn 2010-2020 và mục tiêu của Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29-8-2011 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Hà Nội khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động các nguồn lực xây dựng NTM, đến năm 2015 đạt 40% số xã (160 xã) hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn; giảm dần khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Ngân sách tập trung hỗ trợ công việc hộ nông dân, tổ chức, doanh nghiệp không có điều kiện thực hiện như: Sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sơ chế và chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; ứng dụng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hoàn chỉnh quy hoạch, vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hà Nội hỗ trợ các tổ chức (đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã), hộ gia đình và cá nhân cùng tham gia đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao; áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tìm nguồn lực thực hiện đề án xây dựng NTM cho các xã điểm cũng được ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng NTM các xã chú trọng; không thể chỉ khoanh tay "ngồi chờ" nguồn ngân sách cấp trên hỗ trợ. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương chung sức, đồng lòng cùng tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn trong việc đấu giá quyền sử dụng đất; tuyên truyền trong cộng đồng dân cư trên địa bàn và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân cùng "chung tay" xây dựng NTM. Nhiều huyện, thị xã đã chủ động, tích cực triển khai và thực hiện chương trình, một số xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng NTM như xã Song Phượng (Đan Phượng) đã huy động được trên 71 tỷ đồng, cùng hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng đường và 1.000 ngày công của cộng đồng dân cư trong xã tham gia xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; xã Mai Đình (Sóc Sơn) nhân dân đã đóng góp 1.000m2 đất để tạo mặt bằng cho địa phương mở rộng đường; xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) huy động được 14.454 triệu đồng; xã Phùng Xá (Mỹ Đức) ngoài việc đóng góp gần 5 tỷ đồng còn hiến 3.660m2 đất để xây kè sông đáy và mở rộng đường giao thông, mương máng nội đồng; xã Đại Áng (Thanh Trì) huy động tiền, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi trên 6 tỷ đồng và hiến 727m2 đất.