Nhân lực yếu do thiếu kỹ năng mềm
Đời sống - Ngày đăng : 06:26, 07/09/2012
Điểm cao nhưng kỹ năng kém
Theo một khảo sát được thực hiện từ hàng trăm doanh nghiệp tổ chức gần đây, có đến 94% trường hợp SV mới ra trường cần được đào tạo bổ sung để đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Các nội dung cần đào tạo có tới 61% là về kỹ năng mềm cơ bản. Các nhà sử dụng lao động than phiền, có nhiều SV học giỏi, có bằng cấp tốt nhưng có khi không qua được vòng phỏng vấn vì kỹ năng giao tiếp yếu, thậm chí còn nói ngọng. Nhiều SV cũng thừa nhận mặc dù rất tự tin và thường đạt điểm cao khi làm việc độc lập, nhưng khi làm việc nhóm thì không hiệu quả do họ gặp khó khăn khi hợp tác với cộng sự, không biết cách bàn bạc để đưa ra các quyết định quan trọng.
Ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách công tác SV nội trú, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Việc thiếu kỹ năng mềm, trong cả cuộc sống và công việc, xuất phát từ định hướng ban đầu của SV trong việc chọn ngành nghề. Các em chủ yếu chọn nghề còn nặng về cảm tính thay vì dựa trên khả năng và niềm đam mê. Có em chọn ngành học nào đó là vì gia đình có người làm trong ngành, với hy vọng dễ xin việc làm. Những điều này dẫn tới sự thiếu nỗ lực trong học tập, kết quả học tập không cao. Các em này, dù có bằng cấp vẫn khó có thể tự tin và hăng say để đảm nhận công việc một cách hiệu quả trong thực tế.
Ông Rick Howarth, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, đã đưa ra nhận xét: Chúng tôi nhận thấy là các bạn Việt Nam thường khá khép kín trong công việc, còn e ngại việc trình bày ý tưởng cá nhân. Các bạn cần có thêm sự chuẩn bị để có thể làm việc thoải mái trong môi trường đa văn hóa, với mọi người từ các quốc gia khác nhau.
Khó đưa vào chính khóa
Nhiều ý kiến của các nhà sử dụng lao động cho rằng trách nhiệm đào tạo kỹ năng mềm trước tiên là của nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay SV chủ yếu tích lũy kỹ năng mềm ở các chương trình ngoại khóa và hoạt động tình nguyện. Mặc dù các trường đều có chuẩn đầu ra về kỹ năng mềm nhưng việc đưa nội dung đó vào chương trình chính khóa là rất khó khăn hoặc thiếu hiệu quả vì thời lượng quá ít.
Tuy nhiên, việc theo học các khóa kỹ năng mềm không phải là điều dễ dàng đối với SV. Bên cạnh thời gian, học phí là một trở ngại không nhỏ. Mặc dù có trung tâm cho biết học viên đã được tài trợ phần lớn học phí (lên tới vài triệu đồng/khóa học 3 ngày), song chi phí cho tài liệu, hội trường, giấy chứng nhận... cũng hơn 500.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo ông Phan Thế Đức, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm Định vị Sinh viên: Nhiều người đi học kỹ năng mềm vì theo trào lưu hoặc để có giấy chứng nhận mà không có nhận thức rõ ràng về mục tiêu và mục đích của việc rèn luyện kỹ năng. Điều này cũng khiến việc học kỹ năng trở nên không hiệu quả.
ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong các đơn vị đầu tiên triển khai tín chỉ bắt buộc về kỹ năng mềm với toàn bộ SV hệ chuẩn. Theo ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV ĐH Quốc gia Hà Nội: Nhà trường đã xây dựng chương trình 19 loại kỹ năng mềm được nhiều nhà tuyển dụng cho là cần thiết nhất. Các SV buộc phải lựa chọn 5 kỹ năng tùy nhu cầu bản thân để tích lũy đủ 3 tín chỉ. Việc có chứng chỉ đào tạo kỹ năng mềm là điều kiện bắt buộc để SV được cấp bằng tốt nghiệp. Theo ông Phạm Trung Kiên, những kỹ năng được SV lựa chọn để học nhiều nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm...
Theo các nhà tổ chức, hiện việc đưa kỹ năng mềm vào đào tạo đại trà cho SV còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất của các trường còn hạn chế và học phí cao. ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đang triển khai đào tạo online 100%. Hình thức này, theo ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách SV nội trú ĐH Quốc gia Hà Nội, có chi phí thấp, phù hợp với SV, các em lại có thể học theo nhóm để tiết kiệm học phí mà vẫn lấy được đủ chứng chỉ của nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, việc học online cũng hạn chế phần nào hiệu quả khi tính tương tác chưa cao.