Chất lượng đào tạo nghề đang bị bỏ ngỏ
Đời sống - Ngày đăng : 07:38, 06/09/2012
Công tác đào tạo nghề hiện nay đang còn nhiều bất cập. Ảnh: Linh Ngọc |
Mới đây, tại phiên chất vấn trực tiếp Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về tình hình đào tạo nghề, công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam của UBTV QH, có rất nhiều vấn đề về chất lượng đào tạo nghề được đặt ra. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, cả nước hiện có 135 trường cao đẳng nghề (trong đó có 33 trường ngoài công lập), 320 trường trung cấp nghề (trong đó có 111 trường ngoài công lập); 840 trung tâm dạy nghề (trong đó có 296 trung tâm ngoài công lập) và hơn 1.000 cơ sở khác (các cơ sở giáo dục - đào tạo, doanh nghiệp…) tham gia dạy nghề. Đến tháng 5-2012 đã có danh mục 386 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 462 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Chính phủ đã lựa chọn quy hoạch 121 nghề trọng điểm (26 nghề cấp độ quốc tế; 49 nghề cấp độ khu vực và 107 nghề cấp độ quốc gia) và các trường có nghề trọng điểm để hỗ trợ phát triển đồng bộ các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo theo chuẩn và đang triển khai xây dựng Đề án 40 trường chất lượng cao đến năm 2020 theo Chiến lược Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược Phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020. Mặc dù có nhiều cơ sở đào tạo nghề nhưng theo Bộ LĐ-TB&XH thì đến nay lao động qua đào tạo mới chỉ đạt hơn 30%. Đồng thời vẫn còn 163 huyện chưa có trung tâm dạy nghề công lập; các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề còn bất cập; đội ngũ giáo viên, giảng viên còn thiếu về số lượng; yếu về chất lượng. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, mục tiêu công tác đào tạo nghề giai đoạn 2012-2020 là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ 20% và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ 23%).
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nước ta đang phát triển quá nhanh, quá nhiều trường nghề và trung tâm dạy nghề nhưng chất lượng lại bị bỏ ngỏ khi thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn đang thiếu trầm trọng lao động có tay nghề cao. Ông Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ hai điểm: Thứ nhất, các trường dạy nghề không "hút" được học sinh. Cụ thể, Trường Cao đẳng nghề tỉnh Phú Yên mỗi năm được Nhà nước cấp ngân sách 5 tỷ đồng để đào tạo từ 3.000 đến 4.000 học sinh . Tuy nhiên năm học này, trường chỉ nhận được khoảng 300 hồ sơ trong khi chỉ tiêu xét tuyển của nhà trường là gần 900 học sinh. Điều này cũng diễn ra tương tự ở các kỳ tuyển sinh trước và là tình trạng chung ở nhiều cơ sở dạy nghề hiện nay. Chương trình "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo đề án 1956 cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng lao động của quá trình CNH-HĐH nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thậm chí, nhiều nông dân sau khi bị thu hồi đất rơi vào tình cảnh khó khăn khi không có việc làm...
Người trong cuộc đã thừa nhận những bất cập đang tồn tại trong hệ thống đào tạo nghề hiện nay. Trong khuôn khổ chương trình dạy nghề giai đoạn 2010-2020, chúng ta hy vọng con số 40% lao động được đào tạo nghề đến năm 2015 và 55% vào năm 2020 sẽ đạt được và có thể vượt kế hoạch. Tuy nhiên, mục tiêu nêu trên vẫn còn khiêm tốn khi xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi rất nhiều lao động có trình độ, có tay nghề chứ không chỉ là con số non nửa như đã kỳ vọng ở trên.
Nhiều chuyên gia và các nhà quản lý cũng cho rằng chúng ta nên thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động dạy nghề như tự đào tạo, đặt hàng dạy nghề, kết hợp xây dựng chương trình đào tạo... Đồng thời cần có chính sách công bằng, bình đẳng cho các trường dạy nghề công lập và tư thục về giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất thiết bị, ưu đãi tín dụng...