Cần tạo sự liên kết
Xã hội - Ngày đăng : 07:38, 05/09/2012
Thiết lập các điểm bán hàng cố định tại ngoại thành sẽ tạo ra sự liên kết vững chắc với thị trường.
Sở Công thương Hà Nội cho biết, các chuyến bán hàng lưu động được tổ chức liên tục trong năm gắn với chương trình bình ổn giá và thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", với hình thức bán hàng trên xe ô tô chuyên dụng hoặc các gian hàng nhỏ. Theo kế hoạch, các DN tổ chức 38 phiên chợ Việt tại 16 huyện ngoại thành, 400 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã và 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội có hỗ trợ cước vận chuyển cho đồng bào miền núi tại các xã Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai); An Phú (huyện Mỹ Đức). Đồng thời, giao cho Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt phối hợp cùng các DN đưa hàng về 15 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX). Tại mỗi huyện, KCN-KCX, các đơn vị sẽ tổ chức 2 phiên chợ Việt ở những khu vực đông dân cư, liên xã trong khoảng 2 đến 5 ngày, với các mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ dùng do các DN trong nước sản xuất như quần áo, giày dép, dụng cụ học tập, văn phòng phẩm, đồ dùng gia đình…
Nhằm thu hút sức mua của người tiêu dùng (NTD), các DN đã chú trọng xây dựng chiến lược giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên địa bàn; tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Nhiều DN đã tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý để hàng hóa trực tiếp đến tay NTD. Bên cạnh đó, hầu hết hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu NTD nông thôn. Việc các DN thường xuyên nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, tăng cường khuyến mãi cùng với việc người dân tin vào chất lượng hàng nội đã giúp hàng hóa Việt Nam từng bước gắn bó với cuộc sống người dân và dần thay thế các sản phẩm ngoại nhập.
Tuy nhiên, kết quả các chương trình đưa hàng về nông thôn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Số lượng các chuyến hàng về nông thôn còn thưa thớt, dù TP Hà Nội đã chi 376 tỷ đồng không tính lãi để ứng vốn cho các DN tham gia. 8 tháng qua, các DN trên địa bàn mới chỉ tổ chức được 35 chuyến bán hàng. Trong đó có 17 chuyến bán hàng lưu động tại 10 quận, huyện với tổng doanh thu đạt 930 triệu đồng; 5 phiên chợ Việt tại các huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ, với doanh thu 600 triệu đồng; 13 chuyến bán hàng phục vụ công nhân lao động tại khu nhà ở công nhân tại các KCN Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài với tổng doanh số đạt hơn 876 triệu đồng. Ngoài ra, mới có 15 DN tham gia chương trình bình ổn giá phục vụ người dân có thu nhập thấp. Lý giải cho thực trạng trên, Sở Công thương cho biết, do hầu hết DN đang gặp khó vì khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, mưa bão kéo dài trong mấy tháng qua làm ảnh hưởng đến việc tổ chức các phiên chợ về nông thôn. Từ nay đến cuối năm, các DN phải thực hiện được 365 chuyến hàng mới đạt kế hoạch đề ra. Đây là sức ép lớn không chỉ với các DN được giao, mà cả với các ngành chức năng.
Thực tế cũng cho thấy, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần tạo mối liên kết giữa các DN và địa phương. Tuy nhiên, do kinh phí xúc tiến hạn chế; hệ thống phân phối, thương mại của các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hoàn thiện nên các chuyến hàng vẫn chỉ được tổ chức theo kiểu "đánh nhanh, rút gọn". Khi các phiên chợ kết thúc để lại cho NTD khoảng trống, không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào. Vì vậy, việc đưa ra chính sách để DN thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường là rất cần thiết. Mặt khác, DN thương mại cần chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các DN nhỏ của địa phương, từ đó tạo nguồn hàng ổn định trong quá trình tổ chức các phiên chợ Việt.
Được biết, Bộ Công thương phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đang xây dựng đề án "Đưa hàng Việt về nông thôn qua các HTX thương mại". Đây là giải pháp mang tính khả thi cao, vì các HTX đã có sự liên kết với nhiều DN, liên hiệp HTX để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trong đó có việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích.