Kinh nghiệm từ Sóc Sơn
Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 05/09/2012
Hầu hết các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã được tháo dỡ.
Điều khó khăn nhất trong quá trình xử lý lò gạch thủ công, là nhu cầu sử dụng gạch trên thị trường Sóc Sơn khá lớn, nhưng các lò gạch không nung và tuynel chưa đáp ứng được. Qua khảo sát, đánh giá về nhu cầu sử dụng gạch, trung bình mỗi năm huyện Sóc Sơn tiêu thụ khoảng 400 triệu viên gạch, trong khi đó các lò gạch tuynel trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 120 triệu viên/năm. Nếu xóa bỏ toàn bộ các lò gạch thủ công, người dân phải sử dụng nguồn gạch ở nơi khác, chi phí cao hơn rất nhiều, trong khi đại bộ phận người dân thu nhập thấp, kinh tế còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, hoạt động của các lò gạch thủ công đã tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 150-300 nghìn đồng/ngày công lao động. Khi phá lò gạch, việc giải quyết công ăn việc làm và chuyển đổi nghề cho số lao động này vô cùng khó khăn. Chi phí cho việc giải tỏa lò gạch lớn, trong khi ngân sách của địa phương hạn hẹp... Đặc biệt, vốn đầu tư cho việc khai thác đất, xây dựng các vỏ lò rất lớn, hộ ít cũng phải 200-300 triệu đồng, hộ nhiều lên tới gần 10 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn vay của ngân hàng. Chính vì vậy, trong quá trình xử lý các lò gạch thủ công, chính quyền huyện Sóc Sơn đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt, gay gắt từ phía người dân. Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, có những gia đình vay ngân hàng 700-800 triệu đồng để đầu tư sản xuất gạch, khi chúng tôi tiến hành giải tỏa các lò gạch thủ công, họ đều nói rằng không biết lấy đâu nguồn trả nợ, khiến cho việc giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát thực trạng và tháo dỡ lò gạch thủ công trên địa bàn. Huyện Sóc Sơn đã đề ra lộ trình phá dỡ cụ thể, theo từng đợt. Đợt 1 dỡ bỏ toàn bộ các lò cách khu dân cư dưới 100m; đợt 2 dỡ các lò cách khu dân cư từ 100-200m; đợt 3 dỡ toàn bộ các lò cách khu dân cư trên 200m. Đồng thời, UBND huyện đã giao chỉ tiêu thực hiện dỡ bỏ lò gạch thủ công cho từng xã, theo từng đợt. UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đánh giá chính xác thực trạng các lò gạch thủ công đang hoạt động trên địa bàn; phân loại, tổng hợp các lò gạch theo công suất; khoảng cách lò so với khu dân cư... Tổ chức kiểm tra các thủ tục về đất đai, xác định mức độ vi phạm của chủ lò và việc xây dựng trái phép các công trình. Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, huyện Sóc Sơn đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ và UBND TP Hà Nội về việc thay thế dần gạch nung bằng vật liệu xây dựng không nung, tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn. Huyện tổ chức giao ban định kỳ, thường xuyên nhắc nhở các xã thực hiện tốt kế hoạch tháo dỡ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu các xã, thị trấn phải báo cáo tiến độ thực hiện với UBND huyện hằng tháng. Với sự quyết tâm cao của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, sau hơn một năm triển khai, đến nay cơ bản trên địa bàn huyện Sóc Sơn không còn lò gạch thủ công hoạt động. Tính đến tháng 8-2012, toàn huyện đã tháo dỡ xong 455 lò, bằng 86,8%; 69 lò còn lại đã ngừng sản xuất đang tháo dỡ vỏ lò. Nhiều chủ lò đã đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng sau khi được vận động đã tự giác tháo dỡ. Điển hình là trường hợp của ông Trịnh Văn Phương (xã Trung Giã) và ông Nguyễn Văn Liên (xã Tân Minh). Các ông này đã đầu tư 7-8 tỷ đồng để xây dựng hơn 20 lò, với tổng công suất lên tới 3-4 triệu viên gạch một năm để tận dụng nguồn nguyên liệu từ việc nạo vét lòng hồ Bờ Để, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù hợp đồng khai thác, nạo vét lòng hồ vẫn còn hơn 3 năm, nhưng ông Phương và ông Liên vẫn tự giác tháo dỡ tất cả các vỏ lò, với tổng chi phí tháo dỡ lên tới 600-700 triệu đồng.
Để tháo gỡ khó khăn khi xóa lò gạch thủ công, ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đề nghị TP Hà Nội có chính sách hỗ trợ chi phí tháo dỡ, chuyển đổi nghề cho người lao động và cho phép một số địa phương chuyển từ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Hiện tại, huyện Sóc Sơn đã quy hoạch xong vùng sản xuất vật liệu xây dựng thuộc các xã: Bắc Sơn, Tân Minh và Hồng Kỳ.
Sóc Sơn là địa phương có số lượng lò gạch thủ công nhiều nhất Hà Nội, với khoảng 40% số lò gạch cần phải tháo dỡ của cả TP. Tính đến ngày 30-6-2010, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 524 lò gạch thủ công của 270 chủ lò, tập trung ở 19/26 xã, thị trấn, trong đó riêng xã Bắc Sơn có tới 263 lò. Trong số 524 lò gạch thủ công, chỉ có 125 lò có ống khói, 399 lò không có ống khói; số lò gạch trong khu dân cư và cách khu dân cư dưới 100m là 132 lò, có 31 lò cách khu dân cư 100 - 200m, 361 lò cách khu dân cư hơn 200m.