Romania: Ngập chìm trong khó khăn

Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 05/09/2012

(HNM) - Mặc dù Tổng thống Romania Traian Basescu đã được Quốc hội khôi phục chức vụ cách đây hơn một tuần nhưng


Bất ổn chính trị có thể khiến Romania không được gia nhập Khu vực Schengen trong năm nay.

Không khó để nhận ra sự không hài lòng của Thủ tướng Victor Ponta - người đứng đầu SLU sau kế hoạch "đảo chính nghị trường" bất thành nhằm vào đối thủ là Tổng thống đương nhiệm T.Basescu. Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng V.Ponta vẫn cho rằng, kết quả trưng cầu ý dân với 88% số cử tri tham gia ủng hộ việc phế truất ông T.Basescu chứng tỏ người đứng đầu Nhà nước đã "mất uy tín hoàn toàn", vì thế ông này nên từ chức. Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ Romania còn nhấn mạnh, dù ông T.Basescu tiếp tục được ở lại Dinh tổng thống, nhưng với người dân Romania, ông đã không còn là tổng thống kể từ khi kết quả kiểm phiếu được công bố vào cuối tháng 7.

Tổng thống T.Basescu ngay lập tức bác bỏ lời phát biểu của Thủ tướng V.Ponta; đồng thời cho rằng việc Chính phủ đương nhiệm tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về luận tội tổng thống là một "âm mưu tạo phản" và những người thực hiện kế hoạch này phải chịu trách nhiệm trước các thể chế nhà nước của Romania. Trong khi đó, các nước thuộc EU đều phản đối cuộc trưng cầu ý dân phế truất tổng thống do Chính phủ Romania khởi xướng và cho rằng đây là một "nỗ lực" không thể chấp nhận.

Chưa biết cuộc đấu đá quyền lực tại quốc gia Trung Âu này sẽ kéo dài đến bao giờ. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, tương quan lực lượng giữa các bên đã có chuyển biến lớn. SLU và Thủ tướng V.Ponta đang đối mặt với nguy cơ "gậy ông đập lưng ông" sau vụ "đảo chính" bất thành. Điều này có khả năng ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Quốc hội Romania vào tháng 12 năm nay. Theo nhiều nhà phân tích, trước cuộc trưng cầu dân ý, đảng PDL của Tổng thống T.Basescu bị đánh giá là phe yếu thế do uy tín của nhà lãnh đạo 61 tuổi này liên tục trượt dốc do chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm đổi lấy khoản vay trị giá 20 tỷ euro (26 tỷ USD) từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB). Nhưng nay, mũi dùi chỉ trích của dư luận lại hướng về SLU khi bị quy trách nhiệm gây khủng hoảng chính trị trong lúc tình hình kinh tế đất nước đang ngập trong khó khăn. Kết quả là, tỷ lệ tín nhiệm dành cho đảng này đã tụt 11 bậc xuống còn 57,1% trong vòng nửa tháng.

Không những vậy, động thái của SLU đang vấp phải phản ứng dữ dội từ các quốc gia thành viên EU. Trong báo cáo thường niên mới nhất về tiến trình thực thi luật pháp và chống tham nhũng tại Romania, Ủy ban Châu Âu (EC) cho rằng, tuy đạt được một số tiến bộ nhất định, song quốc gia nghèo thứ hai EU này vẫn chưa hoàn chỉnh hệ thống tư pháp. Việc SLU do Thủ tướng V.Ponta đứng đầu, lập kế hoạch luận tội Tổng thống T.Basescu, bị EU coi là vi phạm nghiêm trọng quy chế dân chủ vì hạn chế quyền lực của Tòa án Hiến pháp, đe dọa thẩm phán và cách chức vô cớ nhiều quan chức khác... Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso còn khẳng định, "những bất đồng chính trị gần đây tại Romania đã làm lung lay lòng tin của EU"; đồng thời kêu gọi Bucharest phải tôn trọng Hiến pháp và pháp luật để lấy lại lòng tin của các đối tác trong khối. Trước áp lực dư luận ngày một gia tăng, Thủ tướng V.Ponta đã buộc phải chuyển địa điểm tổ chức Hội nghị các đảng Xã hội Châu Âu (PES), dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, từ thủ đô Bucharest của Romania sang Brussels (Bỉ) do nhiều nhà lãnh đạo các đảng Xã hội ở Châu Âu không muốn hình ảnh bị ảnh hưởng khi tham dự một hội nghị do một nhà lãnh đạo đang hứng chịu làn sóng phê phán lớn như Thủ tướng V.Ponta chủ trì.

Đáng nói là, sự bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân đẩy Romania đứng trước cuộc khủng hoảng kép khi nền kinh tế đang phải cầu viện tới sự trợ giúp từ bên ngoài mà còn có thể khiến quốc gia này thêm một lần nữa lỡ hẹn với "chuyến tàu Schengen". Vì mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Đức đã tuyên bố rõ ràng rằng ông không thấy Romania có khả năng gia nhập Khu vực tự do đi lại Châu Âu (Schengen) trong mùa thu năm nay vì Bucharest "đã theo con đường chính trị đáng ngờ vực". Nhiều thành viên EU khác hiện cũng có xu hướng ủng hộ lập trường của Đức. Như vậy, cuộc vật lộn tìm kiếm chân trời mới của quốc gia Trung Âu này đang đầy rẫy những khó khăn.

Quỳnh Chi