Đồng lòng vượt khó
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 04/09/2012
Nhiều người đi tìm việc làm mới, lăn lộn làm đủ thứ nghề, gắng gượng kiếm sống chờ cơ hội. Song, trong bối cảnh đó đã và đang xuất hiện những đơn vị, DN, người lao động cùng đồng tâm vượt khó và không thể không nói đến vai trò gắn kết hiệu quả của tổ chức Công đoàn...
Kinh tế khó khăn không chỉ khiến nhiều DN phải ngừng hoạt động, công nhân lao động (CNLĐ) không có việc làm, mà ngay cả quan hệ lao động tại các DN đang hoạt động cũng có những diễn biến phức tạp, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động (NLĐ) còn nhiều bất cập. Một số DN không xây dựng thang, bảng lương dẫn đến tiền lương, phụ cấp sinh hoạt, việc đóng BHXH, BHYT cho NLĐ rất tùy tiện, thậm chí không đăng ký bảo hộ lao động cho NLĐ theo luật định, tỷ lệ ký thỏa ước lao động chỉ đạt 47,4%, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể... Tình hình trên khiến đại bộ phận CNLĐ Thủ đô đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Anh Nguyễn Duy Thành (quê ở Tuyên Quang), làm việc trong DN ở KCN Bắc Thăng Long cho biết, từ đầu năm đến nay, việc ít, thu nhập giảm, nên đã chủ động xin nghỉ, hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hằng ngày đạp xe từ khu trọ ở Đông Anh sang chợ Đồng Xuân làm "cửu vạn".
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Trưởng phòng BHTN (Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết, có những lúc cao điểm trong tháng 6 vừa qua, chỉ một tuần đã có 551 NLĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tính chung từ đầu năm đến nay, có hơn 2.000 lao động đến đăng ký hưởng BHTN. Theo bà Loan, để giảm tình trạng này, ngoài việc các ngành, các cấp cần có các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN, cần có thêm các giải pháp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, tái đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm mới.
Có một điều đáng mừng, trong khó khăn ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của CNLĐ, thì hiện nay đang xuất hiện nhiều điểm sáng, đó là các đơn vị, DN có những biện pháp hữu hiệu động viên NLĐ đồng hành vượt khó. Tiêu biểu như, ở Công ty Stanley (Gia Lâm), Trưởng ban Văn thể, phụ trách công tác An toàn vệ sinh lao động công ty Nguyễn Văn Dần bộc bạch, dù khó khăn lớn nhưng gần 2.000 CNLĐ vẫn được giữ lại làm việc và DN vẫn duy trì chế độ thưởng "nóng" và các chế độ thưởng theo tháng, quý, năm cho những CNLĐ làm việc chăm chỉ, có sáng kiến mang lại giá trị lợi ích kinh tế. Hay như ở Công ty Nippon Paint Việt Nam (thuộc CĐ KCN&CN Hà Nội), CĐ phối hợp với chính quyền "bù đắp" khó khăn cho công nhân bằng cách thường xuyên tổ chức các hoạt động như ngày hội gia đình, văn nghệ, xiếc, tạo niềm vui, giảm căng thẳng, tạo thêm động lực cho hàng trăm CNLĐ. Công ty TNHH MTV Mai Động đầu tư Nhà máy đúc công nghệ cao Mai Động trị giá trên 70 tỷ đồng, thu hút 100 lao động với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng...
Thực tế cho thấy, nhiều CNLĐ đã biết cách tận dụng hoàn cảnh hiện tại để vươn lên như tranh thủ lúc ít việc không tăng ca, thêm giờ để đi học ngoại ngữ, tin học, bổ sung kiến thức, nghiệp vụ. Theo thống kê chưa đầy đủ do LĐLĐ TP cung cấp, chỉ 6 tháng đầu năm 2012, đã có hơn 600 CNLĐ theo học các lớp bổ túc văn hóa, hơn 5.500 người học đại học, hơn 7.100 người học tin học, ngoại ngữ và có gần 700 đơn vị tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề, thu hút gần 28.000 CNLĐ tham gia…
Chủ tịch LĐLĐ TP Trần Văn Thực cho biết, ngay trong giai đoạn rất khó khăn này, các phong trào thi đua lao động giỏi, sáng kiến sáng tạo do tổ chức CĐ Thủ đô phát động, triển khai không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. 6 tháng qua, toàn TP có hơn 37.000 CNLĐ giỏi cấp cơ sở, hơn 2.200 CNLĐ giỏi cấp trên cơ sở và 120 CNLĐ giỏi cấp TP, các con số tăng cao so với nhiều năm qua.
Với sự nỗ lực của ba bên CĐ - DN - CNLĐ, hy vọng rằng, NLĐ và DN sẽ vượt qua khó khăn, đội ngũ CNLĐ Thủ đô tiếp tục được củng cố, vươn lên xứng đáng với vai trò lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô, đất nước.