Bước đầu đã có chuyển biến
Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 04/09/2012
Sau một năm triển khai chương trình, nhìn chung các đơn vị đã thực hiện khá nghiêm túc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Ứng dụng CNTT trong đăng ký khai báo từ xa tại Cục Thuế Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Ảnh: Bảo Kha |
Đến nay, hầu hết các đơn vị đã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai Chương trình 08-CTr/TU; phân công cấp ủy, lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC; củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo CCHC địa phương, nâng cao nhận thức và quyết tâm của cán bộ. Qua đó, chất lượng phục vụ người dân được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiện bộ phận "một cửa" của UBND quận Thanh Xuân và 11 phường trên địa bàn quận đã bảo đảm 100% là công chức, trong đó 7/7 cán bộ "một cửa" cấp quận có trình độ ĐH; 24/26 cán bộ "một cửa" cấp phường có trình độ ĐH. Là huyện ngoại thành Hà Nội, Thanh Trì còn khó khăn khi một số trụ sở cấp xã chưa đáp ứng được nhiệm vụ CCHC, song huyện đã xây dựng được đội ngũ CBCCVC có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết: "Huyện thực hiện đúng quy định về tuyển dụng CBCCVC bảo đảm cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh CCVC các đơn vị thuộc huyện, do đó, 100% cán bộ lãnh đạo có trình độ ĐH và chuyên môn phù hợp; 100% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định, trong đó có 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ ĐH".
Điểm nổi bật nhất trong công tác CCHC thực hiện Chương trình 08-CTr/TU là nhiều đơn vị đã đầu tư hiện đại hóa nền hành chính. Toàn bộ 11 phường của quận Thanh Xuân đều duy trì việc nối mạng thường xuyên với UBND quận. Phần lớn các phòng, ban đều ứng dụng phần mềm quản lý và chuyển nhận văn bản, cổng giao tiếp điện tử, gửi và nhận email trong giải quyết công việc. 11/11 phường thuộc quận đã được cấp Chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2008. Quận luôn duy trì việc giao ban định kỳ và giao ban chuyên đề với cán bộ trực tiếp làm tại bộ phận "một cửa" để tập huấn kỹ năng chuyên môn cho cán bộ. Việc này đã giúp cán bộ làm trực tiếp tháo gỡ nhiều khó khăn khi giải quyết công việc. Tại huyện Thanh Trì, 100% bộ phận "một cửa" các xã, thị trấn đã áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ hành chính. Hệ thống máy chủ, máy trạm được lắp đặt, 90% CBCC có máy tính độc lập, có kết nối internet phục vụ công việc. Bên cạnh đó, huyện tích cực đổi mới nội dung, phương thức hội họp nên đã giảm 17 hội nghị so với năm ngoái, giảm 40% giấy tờ hành chính nhờ thực hiện việc trao đổi văn bản bằng thư điện tử giữa các đơn vị. Còn ở Cục Thuế TP Hà Nội, xuất phát từ số lượng người nộp thuế rất lớn và số
lượng người nộp thuế có tốc độ tăng hằng năm khoảng 20 đến 30%/năm, đơn vị đã đầu tư 30 hệ thống mạng nội bộ với 110 máy chủ kết nối toàn ngành. Cục đang triển khai 30 phần mềm ứng dụng tin học vào các mặt hoạt động quản lý người nộp thuế như: Đăng ký thuế, xử lý tờ khai thuế, quản lý thu nợ. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về người nộp thuế đã được cập nhật đầy đủ, thuận tiện trong việc tra cứu, theo dõi, cập nhật, phân tích dữ liệu người nộp thuế. Từ cuối năm 2011, Cục Thuế TP còn triển khai một số chương trình cải cách hiện đại hóa có tính chất đột phá phục vụ tốt người nộp thuế như: Thí điểm nộp thuế điện tử; xây dựng cổng thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Văn Thiệp nhận định: "Về cơ bản các đơn vị đã quan tâm thực hiện CCHC, tuy nhiên, so với yêu cầu thì nhiều đơn vị mới chỉ đạt được ở mức khiêm tốn, tiêu biểu là việc ứng dụng ISO còn hạn chế". Mục tiêu của Chương trình 08-CTr/TU là xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân; tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, những chỉ tiêu cụ thể được đặt ra là: 100% các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống ISO trong quản lý hành chính nhà nước theo mô hình, quy trình thống nhất; đến năm 2013 hoàn thành việc đánh giá, cấp lại chứng chỉ ISO cho các đơn vị theo phiên bản ISO 9001:2008; đến năm 2015, 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc triển khai, áp dụng và cấp chứng chỉ ISO 9001:2008; cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân, DN... TP Hà Nội cũng đang hướng tới mục tiêu "Đứng trong top đầu của các tỉnh, TP cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng, môi trường tổ chức và chính sách". Trong khi đó, các xã, phường, thị trấn ở Hà Nội còn không ít khó khăn như cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trụ sở làm việc của nhiều xã còn chật hẹp; kỹ năng, nghiệp vụ kinh nghiệm trong giải quyết công việc của cán bộ "một cửa" một số xã còn hạn chế.
Các chương trình, kế hoạch của TP Hà Nội đã đề ra khá chi tiết. Song, việc thực hiện đạt mục tiêu hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Và hơn nữa, CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, đòi hỏi ngày càng cao nên dù đơn vị đã và đang làm tốt cũng phải tiếp tục phấn đấu. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần được phát huy mạnh mẽ, góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.